Đường dẫn truy cập

Tổng thống Mỹ vắng mặt, TQ muốn thắt chặt quan hệ với ASEAN


Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23 Tại Brunei
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23 Tại Brunei
Trung Quốc đã đề nghị cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á và sử dụng hội nghị thượng đỉnh khu vực để cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ khi Tổng thống Barack Obama vắng mặt vào phút cuối.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, tại Brunei ngày thứ Tư, cam kết tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào khu vực.

Thông điệp hữu nghị

Ông Lý cũng dịu giọng về những tranh chấp lãnh hải lâu nay với các thành viên ASEAN. Ông nói Bắc Kinh tin rằng "một vùng Biển Nam Trung Hoa hòa bình là phúc lành cho mọi nước" và rằng những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh nhau đối với vùng biển giàu tài nguyên này cần phải được giải quyết thông qua đàm phán.

Tổng thống Barack Obama đã lên kế hoạch gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN tại Brunei, nhưng phải hủy bỏ để giải quyết cuộc tranh cãi về ngân sách trong nước dẫn đến việc đóng cửa một phần chính phủ liên bang Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hội kiến 10 nhà lãnh đạo ASEAN sau khi nhóm kết thúc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc. Ông Kerry cáo lỗi với các nhà lãnh đạo vì sự vắng mặt của ông Obama.

"Tôi đảm bảo với quý vị rằng những sự kiện ở Washington chỉ là những khoảnh khắc nhất thời trong chính trị và không nhiều hơn thế," ông Kerry nói.

Ra sức trấn an

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng cố gắng trấn an các nước ASEAN về cam kết của Tổng thống Obama đối với mối quan hệ từ nhiều thập niên của Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á.

Ông Kerry nói tăng cường quan hệ Mỹ-ASEAN trong lĩnh vực an ninh, liên kết về kinh tế, và mối quan hệ giữa người dân với người dân là một "phần trọng yếu" của mục tiêu "tái cân bằng" chính sách đối ngoại của Mỹ hướng về châu Á.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh, và có những trao đổi qua lại phản ánh căng thẳng giữa hai cường quốc thế giới trong việc tiếp cận khối ASEAN .

Căng thẳng Mỹ-Trung

Thủ tướng Lý Khắc Cường nói ông chắc chắn cả hai cường quốc đều muốn chung sống với nhau trong "sự hài hòa", nhưng ông nhắc lại lập trường lâu nay của Trung Quốc rằng Trung Quốc là quốc gia đang phát triển nên không thể bị ràng buộc theo những tiêu chuẩn giống như Mỹ, đất nước phát triển nhất trên thế giới.

Ông Kerry đáp lại rằng "chúng tôi nghĩ quý vị phát triển nhiều hơn những gì mà quý vị đang nói, nhưng dẫu sao chúng ta đều có cùng trách nhiệm như nhau."

Các quan chức cấp cao của Mỹ tháp tùng ông Kerry nhấn mạnh rằng ông sẽ đi gặp từng nguyên thủ một, những người mà lẽ ra sẽ gặp Tổng thống Obama nếu ông đi được.Ông Kerry thậm chí còn lên lịch cho thêm một cuộc họp khác với Tổng thống Miến Điện Thein Sein.

Tranh chấp lãnh hải

Các quan chức Mỹ cũng cho biết ông Kerry sẽ hối thúc Trung Quốc chấp nhận Bộ Quy tắc Ứng xử COC có tính ràng buộc pháp lý, vốn bị trì hoãn lâu nay, để giúp điều tiết các tranh chấp lãnh hải trong Biển Đông, nơi mà 4 thành viên ASEAN đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh.

Một quan chức Bộ Ngoại giao cấp cao của Mỹ nói với phóng viên khi đang trên đường đến Brunei rằng ông Kerry sẽ nhấn mạnh tới vai trò của Mỹ "như một nước ủng hộ pháp trị, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tự do lưu thông hàng hải, và nguyên tắc thương mại hợp pháp không bị cản trở."

Khi được phóng viên hỏi về tiến bộ về quy tắc ứng xử COC, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhắc tới các cuộc thảo luận gần đây ở Trung Quốc giữa các giới chức ASEAN và Trung Quốc.

"Các cuộc tham vấn sẽ tiếp tục", ông nói. "Và chúng tôi hy vọng rằng với sự nỗ lực của cả hai bên, nhận thức rằng hòa bình và ổn định trong khu vực là cần thiết, không chỉ đối với ASEAN mà còn đối với tất cả các nước trong khu vực bao gồm Trung Quốc, chúng tôi sẽ đạt được tiến bộ cụ thể."

Trung Quốc có thái độ miễn cưỡng thảo luận về các tranh chấp tại các diễn đàn đa quốc gia như ASEAN. Thay vào đó, nước này muốn giải quyết riêng lẻ với mỗi quốc gia, trong trường hợp đó, Trung Quốc ở vào thế mạnh hơn trong bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Chiến lược của Trung Quốc

Hai thành viên ASEAN--Việt Nam và Philippines--tố cáo Trung Quốc sử dụng chiến thuật uy hiếp ở biển Nam Trung Hoa và do đó đã xích lại gần hơn với Mỹ về mặt quân sự. Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này.

Trung Quốc cũng phủ nhận nước này đang tìm cách chia rẽ khối ASEAN. Những cáo buộc tăng lên sau cuộc họp ASEAN vào năm ngoái ở Campuchia. Bất đồng về tranh chấp lãnh thổ đã khiến cả khối không thể đưa ra một tuyên bố chung lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm.

Hal Hill, giáo sư nghiên cứu nền kinh tế khu vực Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Australia, nói với đài VOA rằng Bắc Kinh một phần đã sử dụng chiến thuật "chia để trị" tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái. Ông nói nhiều nước Đông Nam Á đối mặt với sự lựa chọn khó khăn khi đối phó với Trung Quốc.

"Các quốc gia tiếp giáp Trung Quốc rất bé nhỏ, rất nghèo so với gã khổng lồ bên cạnh. Vì vậy họ phải cân bằng tầm quan trọng mối quan hệ của họ với Trung Quốc, nước hiện có sức mạnh kinh tế và thương mại áp đảo trong khu vực, bên cạnh sự gắn bó của các nước này với ASEAN."

Ông Hill nói ông dự đoán ASEAN sẽ hình thành một "mặt trận thống nhất rộng rãi" trước Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải tại hội nghị thượng đỉnh năm nay.

Thương mại tự do

Các nước thành viên ASEAN cũng hy vọng sẽ thúc đẩy đàm phán về đề xuất thành lập một khu vực thương mại tự do mở rộng ra toàn bộ khu vực Đông Nam Á, nơi cư trú của hơn 600 triệu người. ASEAN muốn tạo ra một khu vực thị trường chung vào năm 2015.

Ông Hill cho biết nhiều loại hình kinh tế khác nhau đại diện trong khối ASEAN đặt ra thách thức cho việc lập nên một khu vực thương mại tự do:

"Khối ASEAN gồm những nền kinh tế tự do như Singapore cùng với một số nước dưới chế độ cộng sản như Việt Nam vốn có nhiều hình thức bảo hộ thương mại. ASEAN không thể và sẽ không vận hành như EU, nhưng tôi nghĩ rằng nó sẽ gửi một tín hiệu rằng ASEAN cởi mở đối với kinh doanh buôn bán, với biên giới ngày càng rộng mở trong khối 10 quốc gia."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG