Đường dẫn truy cập

TQ muốn dùng việc khai thác chung với Brunei để trấn an các nước ĐNÁ khác


Một trạm bơm giếng dầu của Bruneian Shell ở Seria, Brunei
Một trạm bơm giếng dầu của Bruneian Shell ở Seria, Brunei

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý ủng hộ việc thăm dò dầu khí chung với Brunei, nhiều khả năng sẽ diễn ra trong một lô hình chữ nhật ở Biển Đông kéo dài từ bờ biển Brunei trên đảo Borneo. Đó là Vùng Đặc quyền Kinh tế của Brunei, nhưng Trung Quốc nói một phần của vùng đó nằm trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Một thỏa thuận sẽ giúp ích cho Bắc Kinh khi nó làm cho những người hoài nghi ở Malaysia, Philippines và Việt Nam thấy rằng quan hệ với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích, bất chấp các tranh chấp chủ quyền như vùng đặc quyền kinh tế của Brunei nên để nước nào quản lý.

Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales, Australia, nói: "Trung Quốc nói rằng chúng tôi đang thúc đẩy việc cùng phát triển, chúng tôi sẵn sàng hợp tác, đó là chiến thắng cho tất cả mọi người". Trung Quốc đã đầu tư khoảng 4,1 tỷ đô la vào Brunei.

Ông Eduardo Araral, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói: "Bất kỳ thỏa thuận nào mà Trung Quốc có với ASEAN sẽ là một hình mẫu tốt. Nó giống như bóc từng lớp của hành tây ra và nó giúp Trung Quốc thuyết phục về chuyện làm ăn, nó nói rằng Trung Quốc quan tâm đến khía cạnh thương mại của vấn đề".

ASEAN là tên viết tắt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 nước.

"Đối với Brunei, điều hay ho là ở chỗ họ không phải chống đỡ Trung Quốc", ông Araral nói thêm.

Brunei giữ im lặng về vấn đề chủ quyền với Trung Quốc ngay cả khi các quốc gia Đông Nam Á khác là Việt Nam và Malaysia, dưới thời Thủ tướng mới Mahathir Mohamad, đã lên tiếng. Trung Quốc coi sự im lặng của Brunei là một thiện chí cũng như là phiếu thuận cho mối quan hệ với Trung Quốc.

Vào cuối tháng 11, Chủ tịch Trung Quốc đã gặp Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah của Brunei tại thủ đô Bandar Seri Begawan. Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý "ủng hộ các doanh nghiệp liên quan của hai nước hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên dầu khí trên biển", Tân Hoa Xã chính thức đưa tin hôm 20/11.

Brunei chỉ có 430.000 người dân nhưng có trữ lượng dầu thô là 1,5 tỷ thùng cộng với gần 425 tỷ mét khối khí tự nhiên dưới đáy biển, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ.

Philippines có thể sẽ là đối tác tiếp theo của Trung Quốc. Vào tháng 11, Manila và Bắc Kinh đã ký một biên bản ghi nhớ để thiết lập quy trình hợp tác thăm dò dầu khí ngoài khơi. Ở Biển Đông, Malaysia dẫn đầu với trữ lượng 5 tỷ thùng dầu thô và gần 2,3 nghìn tỷ mét khối khí đốt.

Liệu các nước khác có tin tưởng Trung Quốc với tư cách là một đối tác thăm dò năng lượng hay không phụ thuộc vào cách hình thành một thỏa thuận với Brunei. Thỏa thuận đó nên được thực hiện theo pháp luật của cả hai bên và các hiệp định quốc tế, các nhà phân tích Biển Đông nói.

Trung Quốc, với lực lượng vũ trang mạnh nhất châu Á, đã gây bất bình cho 5 nước khác cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông vì Trung Quốc đã bồi đắp các đảo nhỏ để sử dụng cho quân sự và đã điều tàu hải giám đi qua các khu vực tranh chấp.

Hiện Trung Quốc đang đứng trước rủi ro phải chịu nhiều áp lực hơn từ một liên minh bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Khi gộp lại thành một khối, những nước này có sức mạnh quân sự lớn hơn nhiều so với Trung Quốc. Họ muốn Bắc Kinh từ bỏ việc bành trướng quyền kiểm soát trên vùng biển có tranh chấp do có những phản đối từ các chính phủ của các nước châu Á nhỏ hơn. Các nước này có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn lên vùng mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG