Đường dẫn truy cập

TQ cổ suý dùng mật gấu trị corona, gây tranh cãi


Gấu nuôi lấy mật tại một trại gấu ở Việt Nam.
Gấu nuôi lấy mật tại một trại gấu ở Việt Nam.

Chưa tới một tháng sau khi thực hiện các bước cấm vĩnh viễn việc mua bán-tiêu thụ thịt động vật hoang dã, chính phủ Trung Quốc khuyến nghị dùng Tan Re Qing, mũi tiêm chứa mật gấu, để trị các ca nhiễm virus corona nguy kịch.

Đây là một trong số cách điều trị virus corona được khuyến nghị trong danh sách công bố hôm 4/3 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cơ quan của nhà nước chịu trách nhiệm về chính sách y tế quốc gia.

Khuyến nghị vừa kể, theo giới hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, là một biện pháp mâu thuẫn trong khi một mặt cấm mua bán thịt động thực vật hoang dã, một mặt lại cổ suý cho việc mua bán nội tạng của động vật.

Mật gấu được dùng trong thuốc cổ truyền Trung Hoa từ ít nhất là thế kỷ thứ 8 tới nay. Nó chứa lượng acid ursodeoxycholic cao, hay còn gọi là ursodiol, được chứng minh lâm sàng có thể giúp làm tan sỏi mật và trị bệnh gan.

Tổ chức Y tế Thế giới nói chưa có cách trị COVID-19, dù một số thuốc như giảm đau, si-rô ho có thể trị các triệu chứng đi kèm với bệnh COVID-19.

Các bác sĩ y học cổ truyền Trung Hoa thường dùng Tan Re Qing để trị viêm phế quản và các loại nhiễm trùng ở đường hô hấp trên.

Bác sĩ Clifford Steer, giáo sư tại Đại học Minnesota ở Minneapolis, đã nghiên cứu về lợi ích y dược của acid ursodeoxycholic. Ông không thấy có bằng chứng nào rằng mật gấu là phương thuốc hữu hiệu trị vius corona.

Ông nói, acid ursodeoxycholic khác biệt với các loại acid khác trong mật về khả năng giữ cho tế bào sống và có thể giảm bớt các triệu chứng của COVID-19 nhờ các tính năng chống viêm và khả năng ổn định đáp ứng miễn dịch.

Dù việc dùng mật của gấu nuôi​ là hợp pháp ở Trung Quốc, mật gấu hoang dã bị cấm, việc nhập mật gấu từ các nước cũng bị cấm.

Theo Aron White thuộc Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) có trụ sở ở London, Anh quốc, mật gấu bất hợp pháp từ gấu hoang được sản xuất ở Trung Quốc cũng như được nhập từ gấu nuôi, gấu hoang ở Lào, Việt Nam, và Triều Tiên.

Các nhà bảo vệ động vật hoang dã lo rằng việc Trung Quốc khuyến cáo dùng mũi tiêm Tan Re Qing, vốn chứa bột sừng dê và chất chiết xuất từ cây cỏ cộng với mật gấu, sẽ làm tăng việc mua bán các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp.

Tại các trại nuôi gấu lấy mật ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, gấu bị nhốt cả chục năm trong chuồng, chịu đau đớn mỗi lần bị rút mật.

Vì các trại gấu thường xảy ra dịch bệnh, nên, theo tổ chức phi lợi nhuận Animals Asia, người tiêu thụ có nguy cơ tiêu thụ mật của gấu bệnh, mật nhiễm độc bởi phân, máu, mủ, nước tiểu và vi khuẩn.

Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc không hồi đáp yêu cầu bình luận.

(Nguồn: National Geographic/China’s National Health Commission)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG