Trung Quốc bác yêu cầu của Việt Nam, cam kết sẽ bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 và tiếp tục hoạt động trong vùng biển mà Hà Nội nói thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trong cuộc điện đàm hôm 15/5 với Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh yêu cầu Bắc Kinh phải rút ngay giàn khoan và các lực lượng bảo vệ giàn khoan này ra khỏi khu vực đồng thời đề nghị Trung Quốc phải đáp ứng lời kêu gọi của phía Việt Nam một cách nhanh chóng và toàn diện.
Truyền thông trong nước đưa tin này không nêu rõ Ngoại trưởng Trung Quốc đã phản hồi Ngoại trưởng Việt Nam như thế nào.
Tuy nhiên, báo chí nhà nước Trung Quốc nói Ngoại trưởng Vương Nghị đã yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp dứt khoát và hữu hiệu ngay lập tức để ngăn các cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc và bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của công dân và doanh nghiệp của Trung Quốc tại Việt Nam.
Ngoại trưởng Bình Minh nói Hà Nội sẽ nỗ lực bảo vệ an toàn cho người Trung Quốc tại Việt Nam cũng như ngăn chặn các sự cố tương tự trong tương lai.
Cùng ngày, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, Thượng tướng Phòng Phong Huy, tuyên bố Trung Quốc sẽ không rút lui giàn khoan 981 mà sẽ tiếp tục các biện pháp bảo đảm an toàn cho giàn khoan hoạt động, đồng thời cảnh cáo điều mà ông gọi là ‘hành vi quấy rối’ của Việt Nam đối với ‘các hoạt động bình thường’ của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Thương mại hai nước Việt-Trung ngày 16/5 gặp nhau tại Thanh Đảo, Trung Quốc, thảo luận về các vụ bạo động chống Trung Quốc tại Việt Nam một ngày sau khi phía Trung Quốc cử một nhóm công tác sang Việt Nam để đánh giá hậu quả sự việc.
Việt Nam nói các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối giàn khoan của Trung Quốc bị một số phần tử lợi dụng kích động bạo lực. Hà Nội cho hay đã có biện pháp trấn áp và sẽ trừng phạt mạnh tay những kẻ gây rối.
Báo Người Lao động cho hay tình hình các khu công nghệp trong nước ngày 16/5 đã ổn định sau các cuộc biểu tình bạo động khiến ít nhất 1 người Trung Quốc thiệt mạng tại khu công nghiệp Vũng Áng ở miền Trung.
Công an Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án và bắt giam 76 người, trong khi số người bị bắt ở Bình Dương là trên 800, trong số này khoảng 300 người có thể bị khởi tố.
Báo Thanh Niên đưa tin các tàu Trung Quốc quanh khu vực giàn khoan Hải Dương ngày 16/5 ‘tiếp tục manh động và đe dọa quân sự tàu Việt Nam.’
Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông lần này đưa giàn khoan vào khai thác dầu khí ở khu vực Việt Nam tuyên bố chủ quyền được đánh giá là táo bạo sau các động thái mang tính ‘thăm dò’ trước đây, gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ dẫn tới các vụ bạo động chống Trung Quốc tại Việt Nam.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Xử lý Xung đột thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, Giáo sư Tô Hạo, nói với VOA Việt ngữ rằng mâu thuẫn lần này là do phía Việt Nam có sự 'thay đổi trong thái độ và cách hành xử', và rằng Hà Nội chứ không phải Bắc Kinh là phía đang 'tìm cách thay đổi hiện trạng' ở Biển Đông.
Giáo sư Tô Hạo:
"Vấn đề hiện nay là do phía Việt Nam không chịu chấp nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa. Tôi cho rằng Việt Nam nên có thái độ thực tế công nhận thực trạng về quyền kiểm soát của Trung Quốc tại Hoàng Sa.”
Phó Tổng Vụ trưởng Vụ biên giới và đại dương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Dịch Tiên Lương, khẳng định giàn khoan Hải Dương nằm hoàn toàn trong vùng chủ quyền của Bắc Kinh, chỉ cách lãnh thổ Trung Quốc_đảo Trung Kiến ở thành phố Tam Sa (Việt Nam gọi là đảo Tri Tôn)_17 hải lý. Phát biểu của ông Dịch trong tuần này đáp câu hỏi của VOA Việt ngữ rằng Trung Quốc sẽ làm gì nếu Việt Nam có hành động tương tự Bắc Kinh đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc chiếu theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982.
Trả lời câu hỏi của VOA Việt ngữ về phản ứng của Trung Quốc trong trường hợp Đông Nam Á hợp nhất yêu cầu giải quyết tranh chấp Biển Đông qua các kênh đa phương, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh Biển Đông không phải là vấn đề giữa Bắc Kinh với khối ASEAN mà với từng nước một có tranh chấp trong khu vực. Vì vậy, vẫn theo bà Hoa Xuân Oánh, vấn đề này phải được giải quyết tay đôi giữa Bắc Kinh với từng nước có liên quan.
Mới hôm qua, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Phòng Phong Huy, khuyến cáo Mỹ rằng nếu không muốn làm phương hại bang giao với Trung Quốc, Washington phải 'khách quan' trong vụ căng thẳng Việt-Trung ở Biển Đông.
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc lại quan điểm của Washington rằng các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông là nguy hiểm và gây hấn.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói “Việt Nam ngày 7/5/2014 đã cho lưu hành tại Liên hợp quốc Công hàm phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam.”
Ngoại trưởng Việt Nam cho hay Hà Nội đã gửi Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn sang Bắc Kinh để đối thoại với Trung Quốc về căng thẳng liên quan đến giàn khoan 981.
Biểu tình chống Trung Quốc tại Bình Dương và Ðồng Nai: