Đường dẫn truy cập

Tổng thư ký LHQ hoan nghênh hành động kêu gọi của Đức Giáo Hoàng


Đức giáo hoàng Phanxico tại quảng trường thánh Phê-rô, Vatican, Rome.
Đức giáo hoàng Phanxico tại quảng trường thánh Phê-rô, Vatican, Rome.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã hoan nghênh lời kêu gọi trong thông điệp của Đức giáo hoàng Phanxico, đề nghị có biện pháp mau chóng nhằm giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu. Các cuộc thương nghị quốc tế đang tiếp tục trước khi diễn ra hội nghị chung quyết vào tháng 12 ở Paris, nơi các nước sẽ nhắm mục tiêu thực hiện các cam kết đáng kể để làm giảm bớt tác động của hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu đối với các thế hệ tương lai.

Bức thư dài của đức giáo hoàng kêu gọi thế giới chống lại tình trạng tăng nhiệt toàn cầu để tránh gây thiệt hại cho môi trường và phá hủy hành tinh.

Khi đảm nhận chức vụ đứng đầu Liên Hiệp Quốc cách đây gần một thập niên, ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã xác định một trong các vấn đề đặc biệt của ông là quyết tâm hành động về biến đổi môi trường. Ông Ban đã tìm thấy một đồng minh trong các nỗ lực của ông nơi nhà lãnh đạo giáo hội Thiên chúa giáo Roma và hai nhân vật này đã gặp nhau nhiều lần.

"Tôi tri ân sâu xa Đức giáo hoàng Phan-xi-cô vì đã có một lập trường vững chắc về sự cần thiết phải có hành động toàn cầu. Tiếng nói đạo đức của ngài là một phần trong tiếng nói chung của ngày càng nhiều người từ mọi đức tin và mọi khu vực trong xã hội phát biểu về hành động đối với khí hậu. Tôi kêu gọi tất cả các chính phủ đặt lợi ích chung toàn cầu lên trên lợi ích quốc gia và chấp thuận một thỏa thuận quyết liệt và phổ cập về khí hậu tại Paris trong năm nay".

Vấn đề tài chính

Cộng đồng quốc tế sẽ họp tại Paris vào tháng 12 với ý định đồng ý về một hiệp ước có tính cách phổ cập, ràng buộc về pháp lý với mục tiêu hạn chế tình trạng tăng nhiệt toàn cầu ở mức dưới 2 độ bách phân mỗi năm cho đến năm 2020, là lúc thỏa thuận có hiệu lực.

Vòng thương thuyết mới nhất vừa kết thúc ở Bonn, Đức quốc. Chuyên gia về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, bà Cassie Flynn, đã dự các cuộc đàm phán đó. Bà cho biết các đại biểu đã thảo luận các yếu tố nào sẽ nằm trong thỏa thuận Paris và nội dung một loạt các quyết định sẽ hỗ trợ cho thỏa thuận đó.

“Và bên trong cuộc thảo luận này là một loạt những gì gọi là các bàn đạp mà các nước cần phải có để có thể đạt được các đóng góp quyết tâm vào mục tiêu toàn cầu mà chúng ta đã ấn định là 2 độ bách phân? Những yếu tố tài chính là gì? Những yếu tố xây dựng khả năng là gì? Những yếu tố kỹ thuật mà các quốc gia cần tới là gì?”.

Trong 6 tháng nữa dẫn tới hội nghị ở Paris, bà Flynn nói các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào việc giảm thiểu, điều chỉnh và các thành tố xây dựng khả năng đối phó với tình trạng tăng nhiệt toàn cầu. Nguồn tài chính là một vấn đề chủ chốt, trong khi các nước đã đồng ý vào năm 2009 là huy động 100 tỷ đôla mỗi năm từ các nguồn công cộng và tư nhân bắt đầu từ năm 2020 để giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu.

Giảm thiểu lượng khí thải

Cho đến nay, chỉ có 38 nước đã thông báo cam kết giảm thiểu lượng thải khí thải có hiệu ứng nhà kính. Trong số này, Hoa Kỳ và Trung Quốc, gộp lại chiếm gấn 1/3 lượng khí thải toàn cầu.

Hoa Kỳ đã cho biết kế hoạch đến năm 2025 sẽ giảm thiểu khí thải ỏ mức 26% đến 28% so với mức của năm 2005. Trung Quốc cũng đã đồng ý hạn chế lượng khí thải, cam kết lượng khí thải sẽ lên đến đỉnh điểm vào khoảng năm 2030 và tiến hành các nỗ lực tốt nhất để đạt tới cao điểm sớm. Bắc Kinh cũng dự định gia tăng phần tiêu thụ nhiên liệu không hóa thạch ở mức khoảng 20% trước năm 2030.

Vòng thương thuyết kế tiếp về khí hậu dự trù là đầu tháng 9.

Đức giáo hoàng Phan-xi-cô sẽ phát biểu trước Liên Hiệp Quốc vào ngày 25 tháng 9 và có phần chắc sẽ đề cập đến tình trạng biến đổi khí hậu trong các nhận định của ngài. Cũng trong tháng đó, ông Ban Ki-moon sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững tập trung vào tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong khi quảng bá tăng trưởng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG