Đường dẫn truy cập

Tổng thống Ukraine mưu tìm nhiều hỗ trợ hơn từ Hoa Kỳ


Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cầm thỏa thuận liên kết vừa ký với Liên hiệp Châu Âu tại phiên họp của Quốc hội ở Kiev, ngày 16/9/2014.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cầm thỏa thuận liên kết vừa ký với Liên hiệp Châu Âu tại phiên họp của Quốc hội ở Kiev, ngày 16/9/2014.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ đi thăm Hoa Kỳ trong tuần này giữa một cuộc ngưng bắn mong manh với các phần tử đòi ly khai được Nga hậu thuẫn, trong lúc một hiệp định với EU được phê chuẩn, và có những bước hướng tới việc trao quyền tự trị cho miền đông Ukraine. Trong khi đối phó với một loạt thách thức, nhà lãnh đạo Ukraine dự trù sẽ vận động thêm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ nhân các cuộc hội đàm vào ngày mai với Tổng thống Barack Obama tại Toà Bạch Ốc. Thông tín viên VOA Aru Pande tại thủ đô Washington ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Bị tấn công và mệt mỏi, yếu thế về quân số và khí tài, lực lượng Ukraine từ nhiều tháng nay đã chật vật tìm cách đẩy lui phe nổi dậy vũ trang hùng hậu được Nga hậu thuẫn và không tỏ dấu hiệu chấm dứt bạo lực bất chấp thoả thuận ngừng bắn ngày 5 tháng này.

Mặc dù Tổng thống Barack Obama đã đưa ra lời cam kết đầy đủ với Ukraine trong suốt thời gian diễn ra cuộc xung đột, ông vẫn không thay đổi về đường lối giải quyết.

“Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải thừa nhận rằng sẽ không có một giải pháp quân sự cho vấn đề này.”

Trong chuyến thăm Toà Bạch Ốc vào ngày mai, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko dự trù sẽ yêu cầu thêm hỗ trợ quân sự, kể cả đạn dược và vũ khí nhỏ.

Cho đến nay, Hoa Kỳ đã cam kết viện trợ khoảng 70 triệu đôla cho Ukraine dưới hình thức áo giáp, thiết bị thông tin liên lạc và khẩu phần.

Nhưng thay vì viện trợ sát thương, Tổng thống Obama đã áp đặt các biện pháp chế tài Nga – các biện pháp mới nhất được loan báo trong tuần trước, nhằm “gia tăng sự cô lập chính trị của Nga cũng như các thiệt hại kinh tế” cho nước này.

Ông William Pomeranz thuộc Trung tâm Wilson ở thủ đô Washington.

“Các biện pháp này không giống như đưa quân vào chiến trường. Không giống như một phản ứng quân sự, và chúng không nhất thiết ngăn ông Putin làm những gì mà ông ta muốn từ quan điểm địa chiến lược. Nhưng ở giai đoạn này, khi chúng ta đang có một cuộc ngưng bắn và đang ở một tình huống bất động giả hiệu, các biện pháp chế tài đang bắt đầu có tác dụng.”

Nhưng ông Pomeranz nói nếu Tổng thống Poroshenko trông đợi thêm sự giúp đỡ từ phía Hoa Kỳ và EU thì có thể rút cuộc ông sẽ thất vọng – nhất là về mặt viện trợ tài chính và tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá, vốn đã phải đối mặt với tình trạng tham nhũng thâm căn và các vấn đề kinh tế từ trước khi cuộc xung đột bắt đầu.

“Đơn giản là Hoa Kỳ không thể có được các nguồn lực và không muốn cung cấp thêm các nguồn lực cho Ukraine trong vụ khủng hoảng này. Vì thế ngoài tất cả những khó khăn phải đương đầu, Ukraine nay còn nhận ra rằng rất có thể họ sẽ phải gánh chịu vụ khủng hoảng này một mình.”

Và các chuyên gia cho rằng trong tình hình cuộc chiến chống lại các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đang được đưa lên tuyến đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama, thì chưa rõ về lâu về dài, Hoa Kỳ sẽ có thể dành bao nhiêu sự chú ý cho Ukraine.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG