Việc tỷ phú Donald Trump trở thành tổng thống tân cử của Mỹ đã làm nhiều người bất ngờ và các chuyên gia cho rằng ông sẽ là một ẩn số đối với Việt Nam và chính quyền cộng sản cần phải theo dõi và có những bước đi hợp lý trong mối quan hệ với Mỹ.
Chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trước đối thủ có nhiều kinh nghiệm Hillary Clinton vào rạng sáng 9/11 đã gây kinh ngạc cho các chuyên gia, họ cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ có nhiều chuyển biến nhưng cũng đánh giá rằng những gì ông đã tuyên bố có thể sẽ thay đổi.
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS ở Singapore đánh giá về vấn đề này như sau:
"Trước mắt chúng ta cần phải có 1 thời gian để nhìn nhận và đánh giá xem những cái tuyên bố của ông Trump trong quá trình tranh cử có được chuyển biến thành những chính sách thực tế giống như những gì ông đã tuyên bố hay không. Vì có 1 điều rằng là những tuyên bố của ông có thể chủ yếu nhằm mục đích tranh cử mà thôi. Sau khi thắng cử thì có một khả năng là ông vẫn có thể phải có những chính sách phù hợp – phù hợp hơn với thực tế, phù hợp hơn với lợi ích của Mỹ ở khu vực cũng như là ở Việt Nam."
Giáo sư Jonathan London của Đại học Leiden ở Hà Lan và là một nhà nghiên cứu về Việt Nam cũng có những nhận xét tương tự:
"Dù tranh cử đã kéo dài rất lâu thì những quan điểm cụ thể của ông (Trump) đối với những vấn đề quốc tế vẫn còn là một bí ẩn và vì thế chúng ta phải chờ xem ông làm những gì. Và có lẽ trong những tuần tới chúng ta sẽ hiểu một cách nhiều hơn đặc biệt khi chúng ta thấy ông có ý định bố trí những người nào cho những vị trí chủ chốt trong chính phủ của mình."
Ông Trump được biết tới là người hoàn toàn chống lại các hiệp định thương mại tự do vì ông cho rằng chúng đang lấy đi việc làm của người dân Mỹ. Khi còn vận động tranh cử, ông Trump đã nói rằng TPP – hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ, Việt Nam và 10 nước thành viên khác đã ký kết nhưng đang chờ các quốc hội phê chuẩn – “buộc các công nhân Hoa Kỳ phải trực tiếp cạnh tranh với các công nhân từ Việt Nam.”
Dù nhiều người cho rằng với chính quyền của ông Trump, TPP chắc chắn sẽ không có “cửa” nhưng theo giáo sư Jonathan London, TPP vẫn có khả năng được tiếp tục bởi “trong đảng Cộng Hòa từ trước đến nay đều ủng hộ các hiệp định thương mại lớn.”
Ông nói: "Vì thế không rõ là quan hệ giữa ông và đảng của mình sẽ thế nào cụ thể đối với hồ sơ thương mại và các hiệp định thương mại."
Theo nhận xét của bà Genie Nguyen, chủ tịch Hội Tiếng Nói người Mỹ gốc Việt, trong cuộc trao đổi trực tiếp trên trang Facebook của VOA Việt Ngữ đêm bầu cử 8/11, dù nhiều người trong đảng Dân Chủ chống đối TPP nhưng nhiều người của đảng Cộng Hòa lại ủng hộ.
Giáo sư London nhận định việc nắm quyền của ông Trump với sự chống đối các hiệp định thương mại “không có nghĩa là quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ sẽ không mở rộng” nhưng ông cho rằng “nó sẽ theo một con đường khác.”
Ông Trump nhiều lần tuyên bố muốn rút Mỹ ra khỏi những sự can dự vào các cuộc xung đột ở Trung Đông và trên thế giới nhưng theo giáo sư London, ông không cho rằng động thái của Mỹ ở biển Đông sẽ có một thay đổi lớn vì “sự ảnh hưởng từ phía quân đội của Mỹ đối với Trump có lẽ mạnh hơn đối với Obama.”
Giáo sư London cho biết: "Tôi tin rằng trong thời gian tới Việt Nam phải tìm hiểu rất kỹ những gì mà ông Trump định làm và cũng nên tham khảo ý kiến của những người trong chính quyền của Obama hiện nay để giúp cho Việt Nam tìm cách để phản ứng một cách hiệu quả. Đây là một thời điểm ngắn để Việt Nam chuẩn bị một cách đầy đủ cho những sự kiện trong tương lai."
Nhà nghiên cứu Hồng Hiệp của ISEAS cũng cho rằng với việc ông Trump trở thành tổng thống Mỹ kế tiếp, “Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận chung sống với thực tế này.”
Ông Hiệp nói: "Chính vì vậy tôi nghĩ rằng trong thời gian tới một mặt Việt Nam phải thúc đẩy tận dụng chính quyền mới để tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương, mặt khác cũng có thể cần phải dự trù một số các điều chỉnh chính sách trong trường hợp quan hệ song phương cũng như chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực và Việt Nam có những chuyển biến tiêu cực và không phù hợp với lợi ích quốc gia."
Theo nhận định của ông Hiệp, chính sách của ông Trump không hoàn toàn do ông quyết định “mà có thể có một phần đóng góp hoặc tác động từ những cộng sự hoặc cố vấn chính sách của ông” và những người này, theo ông Hiệp “vẫn muốn phát triển và duy trì quan hệ của Mỹ với khu vực Đông Nam Á cũng như là với Việt Nam.