Trong một động thái được xem như nhằm xoa dịu những căng thẳng chính trị, ngày thứ Hai, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp phe đối lập. Tuy nhiên theo tường trình của Thông tín viên Dorian Jones từ Istanbul thì những lo ngại tiếp tục gia tăng vì việc đàn áp những người âm mưu đảo chánh bất thành trước đây trong tháng đang lan sang những người chỉ trích tổng thống nữa.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp lãnh tụ Đảng Quốc gia Hành động Devlet Bahceli và ông Kemal Kilicdarolgu lãnh tụ đảng đối lập chính là Đảng Nhân dân Cộng hòa, hay CHP. Tuy nhiên đảng thân người Kurd chính là đảng HDP không được mời tham dự.
Cuộc họp mặt kéo dài gần 3 giờ đồng hồ diễn ra giữa những lo ngại ngày càng tăng về những vụ đàn áp kể từ khi âm mưu đảo chánh bất thành ngày 15 tháng 7 vừa qua.
Ông Semih Idiz, một nhà bình luận của báo Cumhuriyet Thổ Nhĩ Kỳ nói với việc tất cả các đảng đối lập chống lại cuộc đảo chánh, tổng thống bắt buộc phải tổ chức hội nghị. Tuy nhiên ông nói có nhiều việc cần phải làm để xây dựng một sự đồng thuận chính trị nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng.
Ông Idiz nói: “Chúng ta tại Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong một tình trạng mà mọi thần kinh đều căng thẳng hết mức và dẫn đến cuộc đảo chánh này. Chúng ta đã chứng kiến những lời qua tiếng lại nặng nề giữa từng lớp ưu tú cai trị và phe đối lập. Và có nhiều chướng ngại cần phải vượt qua để cuộc hòa giải này có ý nghĩa.”
Trong một tuyên bố ngắn đảng CHP mô tả cuộc họp là tích cực. Hôm Chủ nhật, đảng CHP tổ chức một cuộc biểu tình lớn tại quảng trường Taksim để ủng hộ dân chủ và chống lại âm mưu đảo chánh. Bỏ qua những chia rẻ chính trị sâu rộng của Thổ Nhĩ Kỳ, những thành viên có uy tín của Đảng Công lý và Phát triển AKP đương quyền cũng tham dự.
Ông Soli Ozel, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại trường đại học Kadir Has ở Istanbul nói biểu tượng của cuộc họp ngày thứ Hai là một bước tiến quan trọng về phía giảm bớt những căng thẳng.
Ông Ozel cho biết: “Ông Erdogan được xem như là một nhân vật phân cực, do đó khi ông có những bước hòa giải, việc này vang xa hơn những bước của bất cứ người nào khác. Theo ý nghĩa đó, động thái này, cuộc gặp gỡ này, những bức hình chúng ta sẽ thấy- sẽ có tầm quan trọng rộng lớn đối với tiến trình hòa giải, đối với tiến trình giảm bớt căng thẳng trong nước.”
Tuy nhiên căng thẳng vẫn còn cao giữa những lo ngại về những vụ đàn áp đang tiếp diễn vượt qua khuôn khổ những người có liên hệ đến cuộc đảo chánh. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trong tình trạng khẩn cấp, và hơn 60.000 người đã bị bắt giữ hay bị cho nghỉ việc. Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế cáo buộc là một số người bị giam cầm bị đối xử tồi tệ và bị tra tấn.
Hôm Chủ nhật, lãnh tụ đối lập Kilicdarolgu lên án việc đối xử tồi tệ những người bị giam giữ và kêu gọi việc cai trị theo luật pháp phải được áp dụng.
Nhà bình luận Idiz nói xây dựng một sự đồng thận chính trị là thiết yếu để bảo vệ các quyền và giảm bớt những lo ngại là tổng thống đang dùng những hệ quả của cuộc đảo chánh để theo đuổi lịch trình chính trị của ông mà theo cảnh báo của ông Idiz là có thể có những hậu quả nguy hiểm.
Ông Idiz nói: “Nếu ông có vẻ như sử dụng việc này để theo đuổi tham vọng riêng, hoàn tất tham vọng của ông…thì việc này sẽ gia tăng bất ổn định tại Thổ Nhĩ Kỳ và ngay cả làm tăng cảm tình đối với một số người âm mưu đảo chánh. Dĩ nhiên trong giai đoạn này có thể không nghĩ tới, nhưng tất cả đều tùy thuộc vào cách thức ông Erdogan hành xử từ lúc này.”
Hôm thứ Hai, những lo ngại về đàn áp tăng thêm, khi trát bắt giam được đưa ra đối với 42 nhà báo, trong đó có bà Nazli Ilicak, một trong những nhà bình luận nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các quan sát viên cảnh báo là với con số những vụ bắt giữ dường như đang được mở rộng, việc xây dựng một sự đồng thuận giữa các đảng dường như không còn thời gian nữa, đe dọa sẽ có thêm nhiều xáo trộn trong những ngày tới.