Lần đầu tiên, các nhà điều tra quốc tế nghi ngờ Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, và người em trai chịu trách nhiệm sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến Syria, theo một tài liệu Reuters ghi nhận.
Một cuộc điều tra chung cho Liên hiệp quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học OPCW trước đây chỉ xác định các đơn vị quân đội và không nêu tên bất cứ cấp chỉ huy quân sự hay quan chức nào.
Hiện nay một danh sách các cá nhân đã được lập ra trong đó có ông Assad, và người em trai tên Maher cùng những nhân vật cao cấp khác, có liên hệ đến một loạt các vụ tấn công bằng bom Clorine trong hai năm 2014 và 2015. Theo một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra, quyết định sử dụng vũ khí độc hại được đưa ra từ cấp cao nhất trong chính phủ Syria.
Không thể tiếp xúc anh em ông Assad để yêu cầu bình luận về tin này, nhưng một giới chức chính phủ Syria nói các cáo buộc cho rằng lực lượng chính phủ sử dụng vũ khí hóa học “không có căn bản sự thật”. Chính phủ Syria đã liên tiếp phủ nhận dùng loại vũ khí như vậy trong cuộc nội chiến đã kéo dài 6 năm nay và nói rằng tất cả những vụ tấn công nêu lên trong cuộc điều tra là do phe nổi dậy và Nhà nước Hồi Giáo thực hiện.
Nguồn tin của Reuters cho biết danh sách chưa được công bố được dựa trên sự phối hợp các chứng cứ do toán của Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học và Liên hiệp quốc tại Syria cộng với thông tin từ các cơ quan tình báo phương Tây và khu vực cung cấp.
Ban điều tra chung của Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học và Liên hiệp quốc có tên gọi là Cơ chế Điều tra Chung, được lãnh đạo bởi một uỷ ban gồm 3 chuyên gia độc lập, với sự hỗ trợ của một toán bao gồm các nhân viên kỹ thuật và điều hành. Tổ chức này được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc giao nhiệm vụ xác định những cá nhân và tổ chức chịu trách nhiệm về những cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria.
Luật quốc tế cấm sử dụng vũ khí hóa học. Sử dụng vũ khí hóa học có thể cấu thành tội phạm chiến tranh.
Dù ban điều tra không có quyền lực tư pháp, nhưng bất cứ những người nào bị liệt kê có thể trở thành nghi can bị truy tố.
Syria không phải là một thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế, nhưng Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc có thể đưa các tội phạm chiến tranh bị cáo giác ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Tuy nhiên, sự chia rẽ giữa các cường quốc hiện nay về cuộc chiến Syria khiến việc này hãy còn xa vời.