Chưa đầy hai tuần sau khi những kẻ khủng bố xả súng trong những vụ tấn công chết người tại Paris, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Pháp đã đứng cùng nhau trong Phòng Đông của Tòa Bạch Ốc, với những phát biểu bày tỏ sự đoàn kết và tuyên bố chủ động tiến công nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.
"Nhóm khủng bố dã man này, ISIL hay Daesh, và hệ tư tưởng sát nhân của nó đề ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta. Không thể dung thứ nó. Phải tiêu diệt nó và chúng ta phải cùng nhau làm điều đó," Tổng thống Barack Obama nói.
Trong một cuộc họp báo chung diễn ra sau cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp François Hollande trong Phòng Bầu dục, ông Obama nói rằng Mỹ đứng cùng với Pháp, và rằng khi thảm kịch xảy ra ở Paris vào ngày 13 tháng 11, "chúng tôi cũng đau lòng."
Ít nhất 130 người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương trong những vụ tấn công nhắm vào năm quán cà phê và nhà hàng, sân vận động và nhà hát. Ông Hollande nhớ lại cú điện thoại lúc 2 giờ sáng của ông Obama với thông điệp rằng Mỹ sát cánh với Pháp và sẵn sàng hỗ trợ không giới hạn, và hợp tác cùng nhau chống lại chủ nghĩa khủng bố.
"Những vụ tấn công ở Paris khơi lên rất nhiều cảm xúc, nhưng việc đó thôi chưa đủ - lòng trắc ẩn, tình đoàn kết - và tôi ghi nhận điều đó," ông Hollande nói, "nhưng chúng ta phải hành động."
Tăng cường chiến đấu
Tổng thống Pháp cho biết ông đang nỗ lực thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới hành động quyết liệt hơn nữa chống lại Nhà nước Hồi giáo. Pháp đã tiến hành các cuộc không kích nhắm vào những mục tiêu của IS ở Syria, và ngày thứ Ba ông Hollande nói cả Pháp và Mỹ sẽ tăng cường chiến dịch không kích.
"Chống lại Daesh, chúng ta cần một phản ứng chung, một phản ứng không nương tay. Pháp và Mỹ sát cánh cùng nhau đem tới phản ứng chung đó," ông nói.
Ông tuyên bố sẽ săn lùng những thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo, triệt phá những mạng lưới của họ và chiếm lại lãnh thổ.
Ông Hollande cho biết ông và ông Obama đã nhất trí đẩy mạnh các cuộc không kích ở Syria và Iraq, mở rộng phạm vi không kích, và tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, trong khi kêu gọi đóng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria để ngăn những chiến binh Nhà nước Hồi giáo băng qua tiến vào châu Âu.
Tổng thống Obama lưu ý tiến bộ mà liên minh 65 nước chống Nhà nước Hồi giáo do Mỹ dẫn đầu đã đạt được.
"Hơn 8.000 cuộc không kích kết hợp với những đối tác địa phương trên bộ đã đánh bật ISIL khỏi lãnh thổ ở cả Iraq và Syria," nhà lãnh đạo Mỹ nói. "Ngày hôm nay, Tổng thống Hollande và tôi nhất trí rằng hai nước chúng ta phải cùng nhau làm nhiều hơn nữa."
Obama nói hai nước sẽ làm nhiều hơn để ngăn chặn những vụ tấn công ở trong nước với việc chia sẻ thông tin tình báo nhiều hơn. Ông kêu gọi Liên minh châu Âu thi hành một thỏa thuận buộc những hãng hàng không chia sẻ thông tin hành khách để ngăn chặn dòng chiến binh nước ngoài.
Ông cũng cam kết "người Mỹ sẽ không sợ hãi, trong khi kêu gọi đồng hương của mình tôn trọng những lý tưởng của Mỹ là tự do tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật, giữa cuộc tranh luận nóng bỏng trong nước về việc có cho phép người tị nạn Syria vào Mỹ hay không.
Ông Obama đã bị những nhà lập pháp và ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa chỉ trích về kế hoạch của ông cho phép 10.000 người tị nạn Syria vào Mỹ vào năm sau. Nhưng ông lưu ý rằng Pháp có kế hoạch cho phép 30.000 người Syria vượt qua biên giới của mình, và ông nhắc lại rằng kế hoạch người tị nạn của ông kêu gọi thẩm tra gắt gao trước khi bất cứ ai có thể dọn đến Mỹ.
Nga ở Syria
Cuộc hội đàm hôm thứ Ba giữa ông Hollande và ông Obama bị phủ bóng bởi vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga dọc theo biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ trước đó trong ngày.
Tổng thống Obama nói Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bảo vệ lãnh thổ và lãnh không của mình, cảnh báo không nên có bất kỳ sự leo thang nào, và lưu ý vụ việc cho thấy "vấn đề đang tiếp diễn với những hoạt động của Nga" trong khi Nga hoạt động gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp tục nhắm mục tiêu tấn công vào phe đối lập ôn hòa Syria.
Ông Obama một lần nữa kêu gọi Nga chuyển hướng những nỗ lực của mình và tập trung những cuộc không kích vào việc đánh bại Nhà nước Hồi giáo, thay vì củng cố quyền lực của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
"Nga ngay bây giờ là một liên minh của hai nước, Iran và Nga hỗ trợ Assad," ông Obama nói.
"Với năng lực quân sự của Nga và ảnh hưởng của họ đối với chế độ Assad, việc họ cùng hợp tác sẽ là vô cùng hữu ích trong việc giải quyết cuộc nội chiến ở Syria và cho phép tất cả chúng ta tái tập trung sự chú ý vào ISIL."
Ông Hollande nói ông sẽ khẳng định lại điểm này khi ông hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin trong những ngày tới trong một nỗ lực củng cố hơn nữa cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo.