Đường dẫn truy cập

Tổng thống Mỹ, Nga khép lại tuần gặp mặt khó xử tại các hội nghị


Tỗng thống Mỹ Barack Obama trên chuyên cơ chuẩn bị rời khỏi Căn cứ Không quân Hoàng gia Australia, ngày 16 tháng 11, 2014.
Tỗng thống Mỹ Barack Obama trên chuyên cơ chuẩn bị rời khỏi Căn cứ Không quân Hoàng gia Australia, ngày 16 tháng 11, 2014.

Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Brisbane khép lại một tuần diễn ra nhiều hội nghị thượng đỉnh rằng đã chứng kiến một số cuộc chạm trán khó xử giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Australia, nước chủ trì G-20 năm nay, muốn hội nghị này tập trung vào thương mại và tăng trưởng việc làm, nhưng những nỗ lực của Tổng thống Obama cô lập ông Vladimir Putin bên lề cuộc họp mới là tâm điểm chú ý tại hội nghị.

Trong cuộc họp ở Brisbane, hai nhà lãnh đạo gặp nhau vài lần. Sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc, Tổng thống Obama mô tả những lần gặp gỡ này cũng giống như tất cả những lần ông đã gặp mặt nhà lãnh đạo Nga, mà theo lời ông nói là "đâu ra đấy và thẳng thừng."

Tổng thống Mỹ nói thông điệp của ông đối với ông Putin ở nơi riêng tư không khác gì so với những gì đã nói công khai kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu: Nga có cơ hội đi một con đường khác.

Lãnh đạo Mỹ, Nga lạnh nhạt

Căng thẳng giữa tổng thống hai nước đã hiện rõ kể từ trước khi hai người đến Brisbane. Tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh tuần trước, đôi khi hai người dường như nhìn về phía nhau nhưng không nhìn nhau.

Các phụ tá Tòa Bạch Ốc sau đó xác nhận đã có một loạt những cuộc trò chuyện không chính thức mà trong đó ông Obama đối mặt với ông Putin về vấn đề Ukraine và kêu gọi Nga tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 9. Hình ảnh chụp lại một cuộc gặp gỡ cho thấy hai người tập trung nhìn nhau và không ai mỉm cười.

Trong khi có thêm nhiều bằng chứng cho thấy thiết bị và binh lính Nga đã vượt qua biên giới tiến vào Ukraine, Tổng thống Putin dường như có cử chỉ lấy lòng trong các cuộc tề tựu trước công chúng ở Bắc Kinh. Đêm khai mạc hội nghị thượng đỉnh APEC, máy ghi hình bắt gặp nhà lãnh đạo Nga vừa mới ly dị khoác khăn choàng lên người phu nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các trợ lý của bà đã kịp thời lấy cởi chiếc khăn choàng đó ra và thay thế bằng một chiếc áo khác.

Hành động này khơi lên những ý kiến chỉ trích trên mạng xã hội Trung Quốc, với một số blogger Trung Quốc gọi cử chỉ của ông Putin là không thích hợp và vô duyên. (Tương tự Tổng thống Obama cũng bị chỉ trích vì nhai kẹo cao su tại những sự kiện công cộng ở Bắc Kinh.)

Ông Putin bị cô lập

Sau đó khi đến Australia, tình hình cũng không khá hơn cho Tổng thống Putin. Tại đây ông Obama đã không lãng phí cơ hội cô lập nhà lãnh đạo của Nga.

Tổng thống Mỹ đề nghị một cuộc họp ba bên với các đồng minh Australia và Nhật Bản và ba nước đưa ra một tuyên bố nêu rõ sự chống đối của họ đối với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, những hành động của Nga gây bất ổn ở phía đông Ukraine, và kêu gọi "đưa ra trước công lý" những người chịu trách nhiệm bắn rơi chiếc máy bay MH17 của Malaysia.

Ông Obama tăng thêm áp lực bằng cách gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu và đồng ý rằng những biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga nên được giữ nguyên.

Tại một cuộc họp báo hôm Chủ nhật ở Brisbane, Tổng thống Obama cho biết những biện pháp trừng phạt "đang tác động khá mạnh." Ông kêu gọi nhà lãnh đạo Nga lựa chọn một giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề Ukraine theo hướng tôn trọng chủ quyền của Ukraine và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông Obama nói đó "là ưu tiên của chúng tôi." Nếu Nga làm vậy thì Mỹ sẽ là "nước đầu tiên gợi ý rút lại các biện pháp trừng phạt đang có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Nga."

Tổng thống Obama không phải là người duy nhất nhắm mục tiêu vào nhà lãnh đạo Nga. Các bản tin dẫn lời Thủ tướng Canada Stephen Harper, tại một cuộc gặp gỡ riêng, nói với ông Putin rằng, "Tôi nghĩ là tôi sẽ bắt tay ông, nhưng tôi chỉ có một điều để nói với ông: Ông phải rút khỏi Ukraine." Các phụ tá của nhà lãnh đạo Canada xác nhận phát biểu này.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng đối mặt với Tổng thống Putin và được dẫn lời nói rằng quan hệ giữa Nga và phương Tây đã "tới ngã ba đường" về vấn đề Ukraine.

Một cơ hội để đổi đường

Tại phiên bế mạc hội nghị thượng đỉnh G-20, Tổng thống Obama nhấn mạnh Nga có thể được chào đón vào cộng đồng quốc tế trở lại. Nhưng ông cũng đưa ra cảnh báo. "Nếu ông ta [Putin] tiếp tục đi theo con đường mà ông ta đang đi," ông Obama nói, "thì sự cô lập mà Nga đang hứng chịu sẽ tiếp tục."

Trong khi các nguyên thủ khác, bao gồm Tổng thống Obama, ở lại Brisbane vài tiếng sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc, nhà lãnh đạo Nga đã lên máy bay ngay sau khi dùng bữa trưa với các nhà lãnh đạo và rời đi.

Trọng tâm chính thức của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Brisbane là tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, nhưng chủ đề đó đã bị lu mờ bởi sự tập trung của Tổng thống Obama vào ông Putin.

Australia cũng kêu gọi đưa vấn đề biến đổi khí hậu khỏi chương trình nghị sự, nhưng cam kết 3 tỉ đôla của Tổng thống Obama viện trợ khí hậu cho các nước đang phát triển và các cuộc nói chuyện của ông về thỏa thuận khí hậu mang tính bước ngoặt với Trung Quốc tuần trước cũng làm lu mờ các cuộc thảo luận về các vấn đề kinh tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG