Cho tới giờ này, Tổng thống Hy Lạp vẫn thất bại trong nỗ lực mới nhất hầu thành lập một chính phủ liên hiệp mới cho quốc gia lún sâu vào nợ nần này.
Tổng thống Karolos Papoulias đã thảo luận với lãnh tụ của 3 đảng lớn là Đảng Tân Dân chủ có lập trường bảo thủ, đảng cực tả cấp tiến Syriza và Đảng Xã hội PASOK.
Tổng thống Papoulias cũng họp với những người đứng đầu các chính đảng nhỏ khác đã chiếm được ghế tại Quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 6 tháng Năm.
Các cuộc thảo luận này là cố gắng cuối cùng của Tổng thống Hy Lạp nhằm tránh phải tổ chức một cuộc bầu cử mới, sau khi kết quả cuộc bầu cử trước đây trong tháng đã khiến không có đảng nào kiếm đủ sự hậu thuẫn để thành lập một chính phủ liên minh đa số.
Lãnh tụ Đảng PASOK Evangelos Venizelos nói ông “lạc quan có giới hạn” sau các cuộc thảo luận hôm Chủ nhật 13 tháng Năm.
Đảng Tân Dân chủ và đảng PASOK có thể thành lập một chính phủ liên minh nếu Đảng Dân Chủ thiên tả, nhỏ hơn, đồng ý tham gia, tuy nhiên đảng này cho tới nay vẫn khước từ, nếu không có sự tham gia của đảng Syriza.
Ông Alexis Tsipras, lãnh đạo đảng cực tả Syriza, cho biết ông sẽ không tham gia hay ủng hộ một chính phủ liên hiệp ủng hộ việc theo đuổi biện pháp khắc khổ để được vay tiền trả nợ.
Ông Papoulias có tới thứ Năm sắp tới để đạt được một thỏa thuận thành lập một chính phủ liên hiệp. Nếu ông thất bại, Hy Lạp sẽ phải tổ chức một cuộc biểu quyết mới vào tháng Sáu sắp tới.
Điểm tranh chấp chính xoay quanh việc chính phủ Hy Lạp trong tình trạng nợ nần chồng chất, phải nhượng bộ trước những đòi hỏi của các tổ chức cho vay quốc tế và các nước láng giềng ở Châu Âu. Họ đòi Hy Lạp áp dụng các biện pháp khắc khổ để đổi lấy kế hoạch cứu nguy tài chính thứ nhì trong vòng 2 năm.
Đảng Tân Dân chủ và đảng Xã hội PASOK ủng hộ các biện pháp giảm chi, nhưng đảng Syriza bác bỏ thỏa thuận về các biện pháp kiệm ước. Trong thời gian qua, dân chúng Hy Lạp thường tham gia các vụ xuống đường rầm rộ, đôi khi có bạo động, để phản đối kế hoạch tăng thuế, giảm hưu bổng và sa thải hàng ngàn công chức.
Giới lãnh đạo Liên hiệp Châu Âu đã khuyến cáo chính phủ tại Athens rằng Hy Lạp phải thực hiện các biện pháp khắc khổ, nếu không nước này sẽ không nhận được thêm tiền cứu nguy tài chính.
Các nhà phân tích tài chính nói rằng Hy Lạp có thể lâm vào cảnh vỡ nợ, không thanh toán được các món nợ đáo hạn, và trở thành nước đầu tiên rời khỏi khối 17 nước sử dụng đồng euro.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1