Đường dẫn truy cập

Tổng thống Biden tán thành việc huấn luyện F-16 cho Ukraine


Máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.
Máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.

Tổng thống Joe Biden ngày 19/5 nói với các đồng minh rằng ông đang phê duyệt kế hoạch huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất, theo hai người quen thuộc với vấn đề này, trong lúc lãnh đạo các nền dân chủ hùng mạnh nhất thế giới nhất trí các trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga vì cuộc xâm lược kéo dài 15 tháng vào Ukraine.

Lãnh đạo của Nhóm Bảy nước G7 đang họp tại Hiroshima. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh này vào ngày 21/5.

Bật đèn xanh cho việc huấn luyện F-16 là sự thay đổi mới nhất của chính quyền Biden khi chuyển sang trang bị cho Ukraine vũ khí sát thương và tiên tiến hơn, sau các quyết định trước đó gửi hệ thống phóng rốc-két và xe tăng Abrams. Hoa Kỳ đã khẳng định rằng họ đang gửi vũ khí tới Ukraine để nước này tự vệ và không khuyến khích các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng sử dụng hội nghị thượng đỉnh lần này để đưa ra một làn sóng chế tài toàn cầu mới đối với Moscow cũng như các kế hoạch tăng cường hiệu quả các hình phạt tài chính hiện có nhằm hạn chế nỗ lực chiến tranh của Tổng thống Vladimir Putin.

“Sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Ukraine sẽ không lay chuyển,” các nhà lãnh đạo G7 nói trong một tuyên bố được đưa ra sau các cuộc họp kín. Họ thề sẽ “sát cánh cùng nhau chống lại cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp, phi lý và vô cớ của Nga đối với Ukraine.”

“Nga khơi mào cuộc chiến này và có thể kết thúc cuộc chiến này,” các nhà lãnh đạo nói.

Tổng thống Zelenskyy đã liên tục kêu gọi cung cấp máy bay chiến đấu phương Tây để tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước trước cuộc xâm lược của Nga.

Giờ đây, khi Ukraine đã cải thiện khả năng phòng không của mình với một loạt hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp và chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công chống lại Nga, các quan chức tin rằng các máy bay phản lực có thể trở nên hữu ích trong trận chiến và cần thiết cho an ninh lâu dài của nước này.

Việc ông Biden hỗ trợ đào tạo phi công Ukraine về máy bay chiến đấu tiên tiến là tiền đề cho việc lần đầu tiên gửi máy bay phản lực đến Ukraine. Tuy nhiên, các quyết định về thời điểm, số lượng và ai sẽ cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư sẽ được đưa ra trong những tháng tới trong khi quá trình huấn luyện đang diễn ra, ông Biden nói với các nhà lãnh đạo.

Việc huấn luyện F-16 sẽ được tiến hành ở châu Âu và có thể sẽ bắt đầu trong vài tuần tới, theo hai nguồn tin ẩn danh.

Các đồng minh châu Âu trong những tuần gần đây đã nồng nhiệt với ý tưởng gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine, cũng như các thành phần trong Nội các của ông Biden, bao gồm cả Ngoại trưởng Antony Blinken, người đã nổi lên như một người ủng hộ trung thành trong chính quyền. Theo các quy tắc cấp phép xuất khẩu, Hoa Kỳ cần phải ký thuận bất kỳ nỗ lực nào của đồng minh để đào tạo phi công Ukraine hoặc cung cấp máy bay phản lực cho Kyiv.

Các chế tài mới nhất nhắm vào Nga bao gồm các hạn chế chặt chẽ hơn đối với những người và công ty đã bị trừng phạt liên quan đến nỗ lực chiến tranh. Hơn 125 cá nhân và tổ chức trên 20 quốc gia đã bị Mỹ trừng phạt. Các hình phạt tài chính chủ yếu tập trung vào những người trốn tránh chế tài có liên quan đến việc mua sắm công nghệ cho Điện Kremlin. Bộ Thương mại cũng đã thêm 71 công ty vào danh sách của riêng mình.

Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói các chế tài ngày 19/5 “sẽ thắt chặt hơn nữa khả năng tiến hành cuộc xâm lược man rợ của ông Putin và sẽ thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu của chúng tôi nhằm ngăn chặn các nỗ lực của Nga trốn tránh các biện pháp trừng phạt”.

Ngoài ra, những người và công ty có lợi ích trong các tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đều phải khai báo. Bộ Tài chính Mỹ cho biết mục đích là để “lập bản đồ đầy đủ việc nắm giữ các tài sản có chủ quyền của Nga sẽ vẫn bất động trong các khu vực tài phán của G7 cho đến khi Nga thanh toán những thiệt hại mà nước này đã gây ra cho Ukraine”.

Nga hiện là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, nhưng có những câu hỏi về tính hiệu quả.

Bà Maria Snegovaya, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói trong lúc các nước G7 “đáng được ghi nhận công lao” vì các chế tài của họ, thì “Nga vẫn duy trì khả năng chiến đấu trong cuộc chiến này về lâu dài”.

Bà nói thêm rằng chi phí chiến tranh “có thể dễ dàng quản lý đối với Nga ít nhất là trong vài năm tới và tác động tích lũy của các biện pháp trừng phạt không đủ mạnh để thay đổi hoàn toàn điều đó”.

Các quốc gia G7 nói trong tuyên bố ngày 19/5 rằng họ sẽ làm việc để ngăn Nga sử dụng hệ thống tài chính quốc tế để thực hiện chiến tranh, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác ngừng cung cấp hỗ trợ và vũ khí cho Nga “hoặc phải đối mặt với những cái giá cao”.

Ông Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, nói với các phóng viên ngày 19/5 rằng Liên hiệp châu Âu đang tập trung vào việc lấp các lỗ hổng và có kế hoạch hạn chế buôn bán kim cương của Nga.

Các mối đe dọa hạt nhân của ông Putin đối với Ukraine, cùng với hàng loạt vụ thử phi đạn kéo dài nhiều tháng của Triều Tiên và kho vũ khí hạt nhân đang mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc, đã cộng hưởng với nỗ lực của Nhật Bản đưa giải trừ hạt nhân thành một phần quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh G7. Các nhà lãnh đạo thế giới ngày 19/5 đã đến thăm một công viên hòa bình dành riêng cho hàng chục ngàn người đã chết trong vụ nổ bom nguyên tử thời chiến đầu tiên trên thế giới.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida muốn giải trừ hạt nhân trở thành trọng tâm chính của các cuộc thảo luận, và ông đã chính thức bắt đầu hội nghị thượng đỉnh tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình của Hiroshima.

Các nhà lãnh đạo thế giới đến thăm một công viên dành riêng để lưu giữ những lời nhắc nhở về ngày 6 tháng 8 năm 1945, khi một chiếc B-29 của Hoa Kỳ thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và thành phố này đã trở thành biểu tượng của những nỗ lực hòa bình chống hạt nhân.

Ông Biden, người đã hủy bỏ kế hoạch công du tới Papua New Guinea và Úc sau thượng đỉnh G7 ở Nhật để có thể quay trở lại các cuộc đàm phán về giới hạn trần nợ ở Washington, đã sắp xếp cuộc gặp ngày 20/5 bên lề G7 với các nhà lãnh đạo của Bộ Tứ Quad, bao gồm Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Hoa Kỳ

Vào lúc những người tham dự G7 lên đường đến Hiroshima, Moscow đã tiến hành một cuộc không kích khác vào thủ đô của Ukraine. Những tiếng nổ lớn vang dội khắp Kyiv trong những giờ đầu tiên, đánh dấu lần thứ 9 trong tháng này các cuộc không kích của Nga nhắm vào thành phố này sau nhiều tuần tương đối yên tĩnh.

Các nhà lãnh đạo G7 và các vị khách được mời từ một số quốc gia khác vào ngày 20/5 cũng dự kiến thảo luận về cách đối phó với sự quyết đoán và xây dựng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc khi gia tăng lo ngại rằng nước này có thể cố gắng chiếm Đài Loan bằng vũ lực, gây ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với hòn đảo tự trị này và các tàu cũng như máy bay chiến đấu của họ thường xuyên tuần tra gần đó.

Trong khi đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tiếp đón các nhà lãnh đạo của các quốc gia Trung Á Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại thành phố Tây An của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về những nỗ lực củng cố nền kinh tế toàn cầu và giải quyết vấn đề giá cả gia tăng đang siết chặt ngân sách của các gia đình và chính phủ trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latin.

Một quan chức Hoa Kỳ cho biết các nhà lãnh đạo vào ngày 20/5 sẽ đưa ra một thông cáo chung nêu bật cách tiếp cận chung để đối phó với Trung Quốc, cũng như phác thảo các dự án mới trong sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu của G7, nhằm cung cấp cho các nước một giải pháp thay thế cho tiền đầu tư của Trung Quốc.

G7 bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Canada và Ý, và Liên hiệp châu Âu.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG