Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, ngày 31/3 đe dọa rằng Belarus cũng có thể cho đặt phi đạn hạt nhân liên lục địa trên lãnh thổ của mình ngoài các vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Nga đã quyết định triển khai tại Belarus.
Trong bài phát biểu thường niên trước các nhà lập pháp và quan chức chính phủ, ông Lukashenko nói rằng vũ khí hạt nhân của Moscow sẽ giúp bảo vệ Belarus, quốc gia mà ông Lukashenko tuyên bố đang bị phương Tây đe dọa.
“Tôi không cố gắng đe dọa hay tống tiền bất kỳ ai. Tôi muốn bảo vệ nhà nước Belarus và đảm bảo hòa bình cho người dân Belarus", ông Lukashenko nói, đồng thời gợi ý rằng ông có thể sử dụng các vũ khí hạt nhân đó với sự đồng ý của Nga nếu Belarus bị đe dọa hủy diệt.
Phi đạn đạn đạo xuyên lục địa trên đất Belarus có thể phá hủy toàn bộ các thành phố từ hàng ngàn dặm.
Ông Lukashenko nói Belarus có đủ vũ khí thông thường để chống lại các mối đe dọa, “nhưng nếu chúng tôi thấy rằng đằng sau [các mối đe dọa] là sự hủy diệt đất nước của chúng tôi, chúng tôi sẽ sử dụng mọi thứ chúng tôi có.”
“Nếu cần, tôi và ông Putin sẽ quyết định và cho dùng vũ khí chiến lược - nếu cần,” ông cảnh báo.
Ông Lukashenko không trưng ra bất kỳ bằng chứng nào về mối đe dọa như vậy từ phương Tây, cũng như không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có kế hoạch xâm lược Belarus từ nước láng giềng Ba Lan, một thành viên của liên minh NATO phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã phát biểu tại một buổi lễ ở thị trấn Bucha gần Kyiv kỷ niệm ngày giải phóng khỏi sự chiếm đóng tàn bạo của Nga. Bucha là biểu tượng cho sự tàn bạo của quân đội Nga kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.
Các lực lượng của Điện Kremlin đã chiếm Bucha vài tuần sau khi họ xâm lược Ukraine và ở lại trong khoảng một tháng. Quân đội Ukraine đã chiếm lại thị trấn và chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng. Hàng trăm thi thể đã được phát hiện, trong đó có một số trẻ em.
Ông Zelenskyy đẫm nước mắt nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên các nạn nhân của cuộc chiến này và chúng tôi chắc chắn sẽ đưa tất cả những kẻ giết người Nga ra trước công lý”.
Trong bài phát biểu hàng ngày hôm 30/3, nhà lãnh đạo Ukraine đã kỷ niệm 400 ngày kháng chiến của Ukraine.
“Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người trên thế giới đã đứng về phía Ukraine... những người có cùng niềm tin mạnh mẽ rằng chúng tôi, những người Ukraine, có... niềm tin rằng thế giới phải dựa trên các quy tắc, các quy tắc văn minh - trên các quy tắc nhân đạo, tôn trọng và hòa bình. ... Chúng tôi sẽ không cho phép để lại một dấu vết nào của Nga trên đất của chúng tôi,” ông nói.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30/3 đã phê chuẩn nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ là quốc hội cuối cùng thông qua việc dỡ bỏ rào cản cuối cùng đối với việc quốc gia Bắc Âu này gia nhập liên minh quân sự phương Tây.
“Tất cả 30 đồng minh NATO hiện đã phê chuẩn thủ tục gia nhập,” Tổng thư ký NATO, Stoltenberg, nói ngày 31/3.
“Phần Lan sẽ chính thức gia nhập liên minh của chúng tôi trong những ngày tới.”
Trong một dòng tweet sau cuộc bỏ phiếu của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30/3, ông Stoltenberg nói việc Phần Lan gia nhập liên minh “sẽ giúp toàn bộ gia đình NATO mạnh mẽ hơn và an toàn hơn”.
Phần Lan và nước láng giềng Thụy Điển đã từ bỏ hàng chục năm không liên kết và nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO sau khi Nga xâm chiếm Ukraine năm ngoái.
Kể từ khi đề nghị gia nhập của họ được phê chuẩn tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 năm ngoái, các quốc gia thành viên NATO đã trải qua các quy trình riêng của họ để đưa ra sự chấp thuận cuối cùng cho Phần Lan và Thụy Điển.
Hungary đã chấp thuận cho Phần Lan vào ngày 27/3.
Các nhà lãnh đạo Thụy Điển và NATO cho biết Thụy Điển đã thực hiện một loạt cải cách để vượt qua những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã nhiều lần nói rằng ông kỳ vọng cả Phần Lan và Thụy Điển cuối cùng sẽ trở thành thành viên NATO.
Diễn đàn