Để thực hiện được chiến dịch “đả hổ” lẫn kiểm tra tài sản quan chức, bộ máy Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương của Trung Quốc phải nắm được tối thiểu 5-10% hồ sơ tài sản và “phốt” của số quan chức cần kiểm tra. Còn TBT Trọng đã nắm được gì?
Vì sao “chống tham nhũng” ở Trung Quốc đang chựng lại?
Trùng với thời điểm bản quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 quan chức cao cấp được Bộ Chính trị Việt Nam ban hành vào ngày 23 tháng Năm năm 2017, một tờ báo chuyên về tin tức Trung Quốc là Tinh Hoa đã bình luận rằng công tác phòng chống tham nhũng do Tập Cận Bình - Vương Kỳ Sơn chỉ đạo thực hiện, dù đã đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng đang gặp rất nhiều chướng ngại và thách thức khi tiến vào sâu, nổi cộm chính là vấn đề công khai tài sản cá nhân của các quan chức.
Vào tháng 2/2017, truyền thông Hồng Kông tiết lộ, Vương Kỳ Sơn đã công bố với một số cơ quan bộ ủy Trung ương Đảng Cộng sản trung Quốc rằng, các lãnh đạo cấp cao của đảng này trước mắt sẽ phải đối mặt với 3 đại sự, trong đó có vấn đề trình báo tài sản của quan chức. 3 đại sự đó là:
1. Phần lớn các quan chức cấp cao trong các ban ngành, cơ quan đều từ chối công khai các thông tin về bản thân cũng như của gia đình, con cái của họ, như tài sản cá nhân, thu nhập, quyền tạm trú ở trong và ngoài nước, các quốc tịch đang sở hữu.
2. Sự chống đối của bộ phận cựu Thường ủy Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị bị vạch trần lợi dụng thời gian đương quyền, bao che cho phối ngẫu, con cái, thân thuộc kiếm tiền, trục lợi trái pháp luật.
3. Sự chống đối của bộ phận hiện giữ chức Thường ủy Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, bị vạch trần tiến cử ‘mầm bệnh’, lợi dụng chức vụ để giúp phối ngẫu, con cái, thân thuộc kiếm tiền phi pháp, chiếm đoạt lợi ích trái pháp luật.
Chuyên nghiệp và nghiệp dư
Cho dù có nhiều điểm tương đồng rất đáng lưu ý giữa Việt Nam và Trung Quốc trong “chống tham nhũng” và hoạt động kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản quan chức, cũng như cho thấy TBT Trọng có vẻ đã “học tập” Trung Quốc trong các chuyến công du Bắc Kinh vào năm 2015 và 2017, vẫn có một cái gì đó không khớp, hoặc chênh lệch thái quá, trong nhận thức và cách thức hành động của ông Trọng so với cách làm và kết quả của Trung Quốc.
Để có thể bắt đầu phát động chiến dịch kiểm tra tài sản quan chức vào năm 2016, Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã phải mất ít nhất 3 năm để “đả hổ”, trong đó đáng chú ý là đã đả được 3 “con hổ” lớn là Bạc Hy Lai (Trùng Khánh, 2012), Chu Vĩnh Khang (công an, 2014) và Từ Tài Hậu (quân đội, 2016), và khiến gần tám chục quan chức tham nhũng khác phải tự sát.
Nhưng ở Việt Nam và từ sau Đại hội 12 đến nay, TBT Trọng chỉ mới đả, mà thực chất là đả nửa vời, được 1 “con hổ” là Đinh La Thăng, trong khi ở Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn không chỉ một mà một số tập đoàn tham nhũng lớn. Cũng chưa thấy quan chức Việt nào… tự sát.
Ở Trung Quốc, một chiến dịch mang tên “Săn Cáo” đã được khởi động âm thầm nhưng hiệu quả trong khoảng 3 năm qua, đã dẫn độ về nước được khoảng 100 quan chức tham nhũng trốn ở nước ngoài. Đầu năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương lần đầu tiên công bố danh sách khoảng 1000 quan chức mà trong đó chính quyền Trung Quốc biết rõ 30% trong số đó đang ở nước nào và làm gì.
Trong khi đó, đã tròn một năm trôi qua kể từ ngày TBT Trọng phát lệnh “việc cần làm ngay” để “xử” Trịnh Xuân Thanh, nhưng cho tới giờ không thể không dùng từ “thất bại” đối với ông Trọng khi Trịnh Xuân Thanh vẫn biệt tăm ở một phương trời nào đó, cho dù Bộ Công an Việt Nam thỉnh thoảng vẫn vang lên điệp khúc “đang phối hợp chặt chẽ với Interpol quốc tế…”.
Ở Trung Quốc, muốn tiến hành và mở rộng chiến dịch mang hai mục tiêu “đả hổ” và “săn cáo”, Tập Cận Bình đã có được một Vương Kỳ Sơn sắt đá và thâm hiểm - về thực chất được xem là “nhân vật số 2” sau Tập, cùng bộ máy Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương đảng chuyên nghiệp và đầy uy quyền, thậm chí còn quyền lực hơn cả Bộ Công an ở một số mặt.
Nhưng ở Việt Nam, nhân vật chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng có vẻ quá “thư sinh”, trong khi bộ máy ở đây còn quá “mỏng”, quen làm công việc hành chính đảng hơn là tiến hành điều tra.
Dù mới đây được TBT Trọng khen “làm việc gì ra việc nấy”, nhưng quả tình Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông Trần Quốc Vượng vẫn chưa có được bất cứ một động tác nào tỏ ra sắc sảo, thậm chí còn bộc lộ trình độ quá nghiệp dư so với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương của Trung Quốc.
Để thực hiện được chiến dịch “đả hổ” lẫn kiểm tra tài sản quan chức, bộ máy Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương của Trung Quốc phải nắm được tối thiểu 5-10% hồ sơ tài sản và “phốt” của số quan chức cần kiểm tra.
Còn TBT Trọng đã nắm được gì?
Đụng tường?
Trong thực tế, hồ sơ tài sản “bề chìm” quan chức không chủ yếu đến từ các cơ quan tham mưu của đảng - vốn chỉ quen nắm hồ sơ “bề nổi” theo kê khai. Ở Việt Nam, đến học sinh cấp ba cũng biết là vào năm 2015, đảng chỉ phát hiện 5 trường hợp “kê khai tài sản không trung thực” trong số một triệu quan chức kê khai theo chỉ đạo của đảng. Cái tỷ lệ nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn như thế đã trở thành đề tài phiếm đàm của vô số người không thích đảng và kể cả những người còn nằm trong bộ máy đảng.
Chỉ có hai cơ quan có thể nắm được cơ bản hồ sơ tài sản quan chức: Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Hai cơ quan này có sẵn những cục, vụ nghiệp vụ để làm chuyện đó.
Cho đến nay, TBT Trọng thậm chí còn có sẵn lợi thế hơn cả Tập Cận Bình: ông Trọng vừa là Bí thư quân ủy trung ương, vừa nằm trong Thường vụ đảng ủy công an trung ương.
Tuy nhiên, chức là một chuyện, còn lực lại là một chuyện khác. Chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Trọng “nắm” được Bộ Công an, dù rằng mối quan hệ chỉ đạo của ông với Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng có vẻ “cơm lành canh ngọt” hơn.
Trong thực tế, không phải không có hồ sơ tài sản quan chức được tung ra ở Việt Nam. Thậm chí đã tung ra quá nhiều vào cái thời trang mạng Chân Dung Quyền Lực còn làm mưa làm gió vào cuối năm 2014, đầu năm 2015. Sau Chân Dung Quyền Lực, hàng loạt trang mạng nặc danh khác đã ra đời để “phục vụ Đại hội 12” cũng như “Hội nghị trung ương 5”. Tuy nhiên, sự thể oái oăm là hồ sơ tài sản quan chức chỉ lộ ra ở mặt trái đấu đá nội bộ trong đảng, còn trên bề mặt “chống tham nhũng” thì lại quá ít ỏi. Ít đến phát sợ.
Trước cái thực tế “thù trong giặc ngoài” ngồn ngộn và lồng lộn như thế, chiến dịch kiểm tra tài sản quan chức nhằm hai mục đích vừa “chống tham nhũng” vừa “kiểm soát quyền lực” của TBT Trọng đang có vẻ đi quá nhanh, duy ý chí và “đốt cháy giai đoạn”. Sau hai thắng lợi giòn giã trước Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội 12 và trước Đinh La Thăng tại Hội nghị trung ương 5, TBT Trọng đã biểu cảm trước cử tri Hà Nội “các bác cứ chờ đấy, sẽ còn nữa…”, cho thấy dường như ông đang hưng phấn đến độ muốn “thừa thắng xông lên”.
Nhưng nếu xông lên chỉ có thế mà không đủ lực, chiến dịch kiểm tra tài sản 1000 quan chức của ông Trọng nhiều khả năng sẽ bị “đụng tường” - một bức tường lớn, rất cao và còn “khó nhằn” hơn cả sự chống đối quyết liệt đang diễn ra trong nội bộ đảng Trung Quốc.
Để khi đó, ông Trọng sẽ chính thức rơi vào một bãi lầy thụt mênh mông.