Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhiều khả năng phục vụ hết 5 năm nhiệm kỳ của cho đến năm 2021 trong bối cảnh không có ứng cử viên nào sáng giá thay thế vào thời điểm giữa nhiệm kỳ sắp tới, một nhà quan sát chính trị Việt Nam nói với VOA.
Ông Trọng được bầu vào nhiệm kỳ thứ nhì tại Đại hội Đảng lần thứ 12 hồi đầu năm 2011 mặc dù ông đã quá tuổi quy định. Ông được xem là giải pháp tình thế cho vị trí Tổng bí thư khi trong Đảng chưa có ai đủ uy tín. Ông được dự kiến sẽ rút lui vào giữa nhiệm kỳ (cuối 2017 nửa đầu 2018) để nhường cho người khác lên thay.
Tuy nhiên, người nhiều khả năng lên thay thế ông Trọng là ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban bí thư, lại vắng bóng từ Hội nghị Trung ương 5 hồi tháng Năm năm 2017 và được cho là đang ở Nhật chữa bệnh, theo truyền thông trong nước. Người lên thay ông Huynh là ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung ương.
Trao đổi với VOA, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng vấn đề sức khỏe đã loại trừ ông Huynh ra khỏi cuộc đua.
“Nếu (như trước khi ông Huynh đổ bệnh) ông Nguyễn Phú Trọng không làm hết nhiệm kỳ và về nghỉ giữa nhiệm kỳ, ông Đinh Thế Huynh là người nhiều khả năng nhất sẽ lên làm Tổng bí thư,” ông Thayer nói.
Tuy nhiên, không còn người ‘kế vị’ ông Trọng “không tạo ra khủng hoảng gì bên trong Đảng”, ông Thayer nói thêm. “Nguyễn Phú Trọng đã củng cố được vị trí. Ông lại không có người kế vị chính thức. Giờ đây, ông ấy có toàn quyền quyết định liệu ông có về nghỉ và khi nào thì nghỉ. Vị thế của ông ấy đang rất mạnh.”
Giáo sư Thayer cũng nhắc lại một tiền lệ là Tổng bí thư Đỗ Mười trước đây cũng tiếp tục ở lại thêm một nhiệm kỳ tại Đại hội 8 hồi năm 1996 mặc dù khi đó ông Mười đã 79 tuổi. Tuy nhiên, đến cuối năm 1997, ông Đỗ Mười đã phải nhường chức cho ông Lê Khả Phiêu sau khi Đảng chọn được người kế nhiệm.
“Tôi dám cá dựa trên những gì mà tôi biết là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại cho đến hết nhiệm kỳ và khi đó ông sẽ có được sự đồng thuận để ủng hộ bất cứ ai ông chọn lên thay thế.”
Trong vấn đề lựa chọn Tổng bí thư kế tiếp, Giáo sư Thayer cho rằng trong cơ chế lãnh đạo tập thể ở Việt Nam thì ông Trọng không có quyền lực giống như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Ông Trọng không thể tự một mình quyết định mà phải tham vấn các thành viên chủ chốt khác trong Bộ Chính trị.
Ông Thayer nói “không có tranh giành quyền lực” trong cuộc chạy đua cho chức vụ cao nhất ở Việt Nam vì đó là cách nền chính trị Việt Nam vận hành.
“Nếu anh có tham vọng và anh nhìn thấy những cơ hội và mọi người đều biết ông Trọng sẽ về hưu thì chẳng có gì sai khi anh cạnh tranh cho vị trí tối cao và xem có bao nhiêu người ủng hộ mình.”
Trường hợp ông Trần Quốc Vượng, người lên tạm quyền thay cho ông Đinh Thế Huynh và được cho là cánh tay mặt của ông Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, Giáo sư Thayer cho rằng ít có khả năng ông Vượng là ứng viên cho chức Tổng bí thư trong nhiệm kỳ tới.
“Ông Vượng là người mới trong Bộ Chính trị nên không thể đi lên quá nhanh được. Anh phải đi qua quy trình hai giai đoạn: phải ở trong Bộ Chính trị ít nhất hết một nhiệm kỳ 5 năm thì mới được đề bạt vào những vị trí chủ chốt. Ông Vượng phải phục vụ hết thời gian còn lại trong Bộ Chính trị, khi đó ông sẽ có vị trí mạnh hơn ở kỳ Đại hội lần tới,” GS Thayer nói.
“Ông Trần Đại Quang (Chủ tịch nước) được cho là có tham vọng nhưng ông ấy cần xem mình có được bao nhiêu sự ủng hộ.”
“Hiện còn quá sớm để phỏng đoán ai là ứng viên sáng giá. Chúng ta cần xem xét các ứng viên tiềm năng trên cơ sở họ đã ở trong Bộ Chính trị được bao lâu, độ tuổi và nên nhớ là luôn có ngoại lệ (về độ tuổi) cho vị trí Tổng bí thư.”
Khi được hỏi liệu Đảng có bế tắc không khi số người hội đủ điều kiện để thay thế ông Trọng chỉ có một vài người, ông Thayer nói rằng đó sẽ là một điều khó khăn đối với Đảng khi ông Trọng về nghỉ.
Giáo sư Thayer ví von cuộc chạy đua vào các vị trí chủ chốt trong nền chính trị Việt Nam như trò chơi ‘ghế nhạc’ vì có ít người hội đủ điều kiện. Người ta để số ghế ít hơn số người có mặt với mục đích khi nhạc tắt thì hầu hết mọi người đều tìm được một cái ghế cho mình.
Khi được hỏi về cuộc chiến chống tham nhũng đang được tiến hành liệu có tác động như thế nào đến công tác nhân sự trong Đảng, Giáo sư Thayer nói những người bên phía “pháp luật và trật tự” như Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang (cựu Bộ trưởng Công an) sẽ “được lợi”.
Do hầu hết những vụ trọng án tham nhũng như các án ngân hàng, Vinashin, Vinalines đều diễn ra dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, ông Thayer cho rằng đối tượng trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng là những quan chức trong mạng lưới trước đây của ông Dũng.
“Ông Dũng và gia đình ông ta sẽ tương đối an toàn (không bị truy tố) nhưng những người thân tín của ông ta sẽ trở thành nạn nhân,” ông nói.
“Tôi không tin rằng điều này có nghĩa là họ sẽ nhổ tận gốc những ai thuộc phe phái ông Dũng mà đây là cuộc tấn công vào những vụ án tham nhũng. Trong Bộ Chính trị vẫn giữ lại những người đã đi lên dưới sự bảo trợ của ông Dũng,” ông nói thêm.
“Chúng ta phải đợi xem cuộc chiến chống tham nhũng sẽ đi theo hướng nào trong tương lai. Họ cần có quyết định chính trị rằng ai sẽ là đối tượng (để điều tra và truy tố) và ai không nên nhắm vào.”