Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ Jerry Nadler hôm 9/4 thừa nhận rằng tội ác thù hận ở Mỹ đã tăng lên trong những năm gần đây, và rằng các hành động bạo lực gần đây được thúc đẩy bởi sự thù ghét được thực hiện nhắm vào những người "được coi không phải là người da trắng."
"Trong mỗi trường hợp, thủ phạm được thúc đẩy bởi niềm tin rằng những người được xem là không phải người da trắng, cho dù họ là người Mỹ gốc Phi, người Do Thái, người Hồi giáo hoặc thành viên của các cộng đồng thiểu số khác, đang âm mưu làm suy yếu chủng tộc da trắng như một phần của sự thay thế quy mô lớn," nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ nói trong phát biểu khai mạc tại phiên điều trần của ủy ban về chủ nghĩa dân tộc da trắng.
Phiên điều trần được tổ chức sau vụ xả súng hàng loạt vào tháng trước tại một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, nơi tay súng đã phát trực tiếp video chiếu một phần vụ thảm sát trên mạng xã hội.
Eileen Hershenov thuộc Liên đoàn Chống Phỉ báng cho biết những kẻ thượng đẳng da trắng ở Mỹ "chịu trách nhiệm về hơn phân nửa" tất cả các vụ giết người liên quan đến tư tưởng cực đoan trong nước trong 10 năm qua," con số mà bà nói đã tăng vọt lên mức 78 phần trăm vào năm 2018.
Vẫn theo bà Hershenov, nghiên cứu của Liên đoàn Chống Phỉ báng cho thấy "những lời lẽ gây phân cực và đầy thù hận do các ứng cử viên và các nhà lãnh đạo dân cử thốt ra" chỉ là một phần của vấn đề.
"Động lực khác cho sự hồi sinh của tư tưởng thượng đẳng da trắng là vai trò của mạng xã hội trong việc tạo điều kiện cho sự thù hận này lan rộng."
Bà ví các mạng xã hội này là "các cuộc tập hợp thượng đẳng da trắng kĩ thuật số diễn ra 24/24, tạo thành các cộng đồng trực tuyến khuếch đại những ảo tưởng thù hận của họ."
Đáp lại, giới lãnh đạo chính sách từ các công ty công nghệ lên án các tội ác thù hận và bênh vực cá chính sách của công ty họ về lời lẽ kích động thù địch.
"Facebook bác bỏ tất cả các hệ tư tưởng thù hận," giám đốc chính sách công cộng của Facebook, Neil Potts, nói.
"Các quy định của chúng tôi luôn nêu rõ rằng những kẻ thượng đẳng da trắng không được phép lên nền tảng này trong mọi trường hợp."
Còn Alexandria Walden của Google thì nói rằng Google đã "đầu tư rất nhiều vào máy móc và con người để nhanh chóng xác định và xóa các nội dung vi phạm chính sách của chúng tôi chống lại kích động bạo lực và lời lẽ thù hận."
Nhưng trong lúc bà Walden bênh vực những nỗ lực của công ty trong việc kiểm duyệt nội dung, công ty con YouTube của Google đã tắt tính năng ‘chat’ trên video đang phát trực tiếp phiên điều trần.
"Vì sự hiện diện của những bình luận mang tính thù hận, chúng tôi đã vô hiệu hóa các bình luận trên video phát trực tiếp phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện hôm nay," một phát ngôn viên của YouTube nói trong một thông cáo.