Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày 19/7 bác nỗ lực của Tổng thống Donald Trump đưa ông, bà và thân nhân khác vào diện cấm nhập cảnh Mỹ trong lệnh cấm du hành áp đặt lên những người đến từ sáu nước có đa số dân theo Hồi giáo.
Nhưng ông Trump cũng giành được thắng lợi một phần vì Tòa án cũng cho phép chính phủ có nhiều quyền hạn hơn để thực thi một lệnh khác cấm người tị nạn cũng bao gồm trong sắc lệnh hành pháp ký ngày 6 tháng 3 mà Tổng thống nói là cần thiết cho an ninh quốc gia.
Một thẩm phán liên bang ra phán quyết bác bỏ lập luận của chính phủ về phạm vi của cả hai lệnh cấm hôm thứ Năm tuần trước, khiến chính quyền đệ đơn lên Tòa án Tối cao yêu cầu can thiệp.
Quyết định của Tòa án Tối cao có nghĩa là, vào lúc này, ông, bà, cô, dì, chú, bác, cháu, anh chị em họ, anh chị em dâu/rể không còn nằm trong diện cấm nhập cảnh của lệnh cấm du hành 90 ngày đối với những người trong danh sách 6 nước.
Hành động của Tòa đối với người tị nạn có thể ngăn tới 24.000 người tị nạn nhập cảnh Mỹ, những người có liên hệ với cơ quan tái định cư của Mỹ, theo các văn kiện của tòa án.
Lệnh ngắn gọn này nói rằng quyết định của Tòa án Tối cao là tạm thời trong khi Tòa án Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9 ở thành phố San Francisco đang cứu xét một yêu cầu phúc thẩm riêng biệt về cùng một vấn đề. Ba thẩm phán bảo thủ trong số chín thẩm phán Tòa án Tối cao có quan điểm chấp thuận toàn bộ yêu cầu của ông Trump.
Trong một thông cáo, Tổng chưởng lý bang Hawaii, Douglas Chin, người đã thách thức lệnh cấm tại tòa, nói văn phòng của ông đang chuẩn bị các luận cứ để trình bày trước tòa Khu vực 9 về vấn đề người tị nạn, và phán quyết của Tòa án Tối cao khẳng định tính hợp pháp trong lập trường của Hawaii.
"Điều này khẳng định chúng tôi đã đúng khi nói rằng chính quyền Trump đã vượt quá quyền hạn trong việc tìm cách đơn phương chia lìa các gia đình," ông Chin nói.
Tòa Tối cao hôm nay cũng loan báo đã lên lịch, ngày 10 tháng 10 sẽ nghe luận cứ về những thắc mắc sâu rộng liên quan đến tính hợp pháp của lệnh cấm.