Đường dẫn truy cập

Tòa Thượng thẩm Anh nhận khiếu nại về Brexit


Những người ủng hộ Anh ở lại EU tụ tập bên ngoài Tòa cấp cao ở London, 13/10/2016.
Những người ủng hộ Anh ở lại EU tụ tập bên ngoài Tòa cấp cao ở London, 13/10/2016.

Các nhà hoạt động ở Anh đang thách thức thẩm quyền của Thủ tướng Theresa May để kích hoạt thủ tục rút ra khỏi Liên hiệp châu Âu mà không qua một cuộc biểu quyết của quốc hội.

Tòa cấp cao đã nhận đơn khiếu nại hôm thứ Năm, 13/10, và quyết định của tòa được coi là phán quyết bảo hiến quan trọng bậc nhất trong một thế hệ.

Một mặt, chính phủ nói bà May có thẩm quyền bắt đầu đàm phán về việc Anh rút khỏi EU mà không cần một cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện, nhờ một quyền hành pháp đặc biệt được gọi là "đặc quyền hoàng gia".

Nhưng đồng thời, các nhà hoạt động, trong đó có nhà quản lý đầu tư Gina Miller, lại tranh cãi rằng quá trình Brexit không thể bắt đầu mà không qua một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội.

Bà Miller là người đứng đơn khiếu nại chính trong vụ này. Bà nói vụ kiện không nhằm giữ nước Anh ở lại trong EU, mà đúng hơn là nhằm duy trì tiến trình dân chủ.

Bà nói với hãng tin AP: "Đây là một vấn đề về dân chủ. Theo suy nghĩ của tôi, tiền lệ nguy hiểm nhất mà chúng ta có thể tạo ra là một chính phủ có khả năng bác thẩm quyền của Quốc hội và không tham khảo ý kiến của Quốc hội trong các tình huống chúng ta cần làm những quyết định liên quan tới các quyền của người dân. Đối với tôi, đấy là một tình huống cực kỳ nguy hiểm".

Trong cuộc trưng cầu dân ý tại Anh hôm 23/6, cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi EU với một tỷ lệ chênh lệch nhỏ là 52-48%.

Những người biểu tình của cả hai phía đã tụ tập bên ngoài Tòa cấp cao ở London hôm thứ Năm, để chờ buổi đối chất tại tòa. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến thứ Hai 17/10.

Bất kể kết quả của phiên tòa thế nào, bà May hôm 12/10 nói rằng bà sẽ để quốc hội thảo luận các vấn đề xung quanh Brexit, dù vậy, bà cũng khẳng định kết quả của cuộc trưng cầu sẽ không thay đổi.

Thủ tướng May tuyên bố: "Nước Anh sẽ rời khỏi Liên hiệp châu Âu. Chúng tôi không thắc mắc liệu có nên giữ lại những phần nào trong tư cách thành viên EU”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG