Tiểu sử ông Bạc Hy Lai
Tiểu sử ông Bạc Hy Lai- Thân phụ là Bạc Nhất Ba, một trong những người sáng lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc
- Ông Bạc Hy Lai gia nhập đảng Cộng sản năm 1980
- Từng giữa chức thị trưởng Ðại Liên, tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh và bộ trưởng thương mại
- Ðược bổ nhiệm làm lãnh đạo tỉnh Trùng Khánh năm 2007 và tiến cử vào Bộ Chính trị
- Nổi tiếng nhờ vụ trấn át tham nhũng ở tỉnh Trùng Khánh
- Bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản vào tháng 9 năm 2012
Diễn tiến vụ tai tiếng Bạc Hy Lai
Diễn tiến vụ tai tiếng Bạc Hy Lai2012
2 tháng 2: Ðồng minh chính và cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân bị giáng chức
6 tháng 2: Ông Vương đi thăm lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Ðô
15 tháng 3: Ông Bạc bị bãi chức bí thư tỉnh Trùng Khánh
26 tháng 3: Anh Quốc yêu cầu Trung Quốc điều tra cái chết hồi tháng 11 của công dân Anh Neil Heywood ở Trùng Khánh
10 tháng 4: Ông Bạc Hy Lại bị đình chỉ các chức vụ trong đảng Cộng Sản. Trung Quốc nói bà Cốc Khai Lai đang bị điều tra về cái chết của ông Heywood
20 tháng 4: Bà Cốc bị án tử hình treo sau khi thú nhận ám sát ông Heywood
24 tháng 9: Ông Vương Lập Quân bị kết án về tội đào tỵ, lạm dụng quyền hành và nhận hối lộ
28 tháng 9: Ðảng Cộng sản khai trừ ông Bạc Hy Lai
2013
25 tháng 7: Ông Bạc Hy Lai bị truy tố về tội hối lộ, tham nhũng và lạm quyền
22 tháng 8: Phiên xử ông Bạc bắt đầu ở Tế Nam
22 tháng 9: Ông Bạc bị kết án tù chung thân
25 tháng 10: Tòa bác đơn kháng cáo của ông Bạc
Phán quyết của Tòa án Nhân dân Cao cấp tỉnh Sơn Đông đã được đưa ra một cách chóng vánh và không giống như phiên xử trước đây, khi ông hăng hái phát biểu để tự bào chữa, ông Bạc Hy Lai hôm nay đã không thể làm gì khác hơn là đứng yên để nghe phán quyết của tòa án.
Ông Hầu Kiến Quân, một người phát ngôn của tòa án, cho báo chí biết rằng đơn kháng án của ông Bạc Hy lai không có cơ sở sự thật hay pháp lý nào cả.
Bốn người trong gia đình ông Bạc đã có mặt tại tòa án. Các nhà báo nước ngoài, trong đó có ký giả của VOA, một lần nữa không được phép dự khán phiên tòa.
Các nhà phân tích chính trị nói rằng đây không phải là phán quyết gây ngạc nhiên vì vụ xử này được nhiều người xem là một mưu toan chính trị để hạ bệ ông Bạc Hy Lai và kết liễu sự nghiệp chính trị của ông.
Ông David Goodman, giáo sư chính trị học của Đại học Sydney, cho rằng chính vì lẽ đó mà giới hữu trách Trung Quốc cần phải làm cho mọi người thấy là họ đã xem xét tới đơn kháng án của ông Bạc Hy Lai. Ông nói:
"Việc hoàn tất mọi thủ tục tố tụng là một việc rất quan trọng đối với Đảng Cộng Sản Trung Quốc vì họ muốn chứng tỏ là họ tin tưởng vào thể chế pháp trị. Việc kết thúc tiến trình này cũng giúp cho một số người trong đảng nghĩ rằng giờ đây họ đã giải quyết xong những vấn đề này và họ có thể tiếp tục làm những công việc của mình."
Trong vài tuần nữa, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ tham dự một cuộc hộïi nghị quan trọng để soạn thảo các chương trình cải cách cho 5 năm tới đây. Với việc vụ án Bạc Hy Lai đã xong, Tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ có nhiều không gian hoạt động hơn để đoàn kết mọi người trong đảng và củng cố vị thế của ban lãnh đạo do ông đứng đầu.
Ông Hàn Đức Giang, một nhà kinh tế học và là một người ủng hộ ông Bạc Hy Lai, nói rằng cách đối xử của tòa án với ông Bạc đã làm cho nhiều người cảm thấy khó hiểu, vì những chính sách của ông Bạc không khác gì những chính sách mà các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đang theo đuổi. Ông nói:
"Đặc biệt là ông Tập Cận Bình, những khái niệm mà ông ấy nhấn mạnh rất giống những khái niệm mà ông Bạc Hy lai từng đề xướng. Phải phục vụ nhân dân, phải theo đuổi con đường phục vụ công chúng, phải đi theo đường lối quần chúng của Đảng Cộng Sản và chống lại những ý tưởng chú trọng tới thị trường hóa. Đó toàn là những tuyên bố của ông Bạc Hy Lai."
Mặc dù ông Bạc Hy Lai bị tuyên án tù chung thân, có phần chắc là công chúng Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục nghe nói tới công trạng hay những ý tưởng của ông. Các chuyên gia pháp luật cho biết ông Bạc Hy lai có thể được thả sớm vì lý do sức khỏe trong vòng không đầy 10 năm.