Tòa án cao nhất của Liên hiệp quốc hôm thứ Ba phán quyết rằng cả Croatia lẫn Serbia đều không phạm tội diệt chủng trong các cuộc chiến tranh ở Balkan thập niên 1990, khi Croatia tách khỏi Nam Tư.
Theo phán quyết của Thẩm phán Peter Tomka của Tòa Công lý Quốc tế, các lực lượng của hai nước đã vi phạm nhiều tội ác, nhưng cả hai bên đều không chứng minh được là bên kia đã phạm tội diệt chủng trong cuộc xung đột đã làm 20.000 người thiệt mạng.
Thẩm phán Tomka nói tại trụ sở chính ở The Hague của tòa: “Tòa khuyến khích các bên tiếp tục nỗ lực hợp tác với quan điểm đưa ra sự đền bù thích hợp cho các nạn nhân của những cuộc chiến tranh đó, mới mục đích hợp nhất nỗ lực hòa bình và ổn định cho khu vực.”
Croatia kiện Serbia ra tòa năm 1999, truy tố rằng một số lớn người Croatia bị giết hại, tra tấn, thất tán, hoặc bị giam trong các trung tâm giam giữ sau khi dân quân người Serb và quân đội Nam Tư chiếm thành phố Vukovar và những vùng quanh đó.
Năm 2010, Serbia khởi kiện ngược lại tại Tòa Công lý Quốc tế, tố cáo rằng hơn 200.000 người Serb bị tống xuất trong cuộc phản công của Croatia tại một trong những trận chiến cuối cùng của cuộc xung đột năm 1995.
Cả hai nước đều nói sẽ chấp thuận phán quyết của Tòa Công lý Quốc tế - là tòa án của Liên hiệp quốc giải quyết tranh chấp giữa các nước. Nhưng có một sự lo ngại rằng phán quyết của tòa sẽ châm ngòi cho những căng thẳng chính trị.
Hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Ivica Dacic nói rằng phán quyết này “sẽ có thể là một trong những sự kiện quan trọng nhất cho các quan hệ song phương với Croatia.”
Ông Dacic nói: “Nó có thể sẽ chấm dứt tiến trình đã kéo dài 15-20 năm qua, và sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh chấp giữa hai bên để chứng minh ai là kẻ phạm tội ác nghiêm trọng nhất.”