Đường dẫn truy cập

Tòa Bạch Ốc bắt đầu vận động công chúng về việc kiểm soát súng


Biểu tình yêu cầu thắt chặt kiểm soát súng tại thủ đô Washington, thứ Bảy ngày 26 tháng 1, 2013. (AP Photo/Susan Walsh)
Biểu tình yêu cầu thắt chặt kiểm soát súng tại thủ đô Washington, thứ Bảy ngày 26 tháng 1, 2013. (AP Photo/Susan Walsh)

Một trong số 23 Pháp lệnh của Tổng thống Obama nhằm giải quyết vấn đề bạo lực súng ống

Một trong số 23 Pháp lệnh của Tổng thống Obama nhằm giải quyết vấn đề bạo lực súng ống

  • Bắt buộc các cơ quan liên bang phải cung cấp dữ liệu cho hệ thống kiểm tra lý lịch liên bang.
  • Duyệt lại những cá nhân bị cấm sở hữu súng.
  • Phát động chiến dịch kêu gọi người sở hữu súng an toàn và có trách nhiệm.
  • Ðào tạo những nhân viên chấp pháp, những người ứng phó đầu tiên và viên chức nhà trường cho tình huống bị tay súng tấn công.
  • Nêu rõ rằng Ðạo luật Chăm sóc Y tế Chi phí thấp không cấm bác sĩ hỏi bệnh nhân về súng.
  • Phát triển những kế hoạch ứng phó khẩn cấp có tính khuôn mẫu cho những nơi thờ phượng, nhà thờ và các cơ sở giáo dục đại học.
Chính quyền Tổng thống Obama một lần nữa lại hướng tới công chúng Mỹ để tìm kiếm sự ủng hộ cho một trong những sáng kiến của chính phủ. Tổng thống và các giới chức khác của Tòa Bạch Ốc đang phát động một chiến dịch vận động quần chúng để thông qua luật kiểm soát súng.

Vài ngàn người Mỹ đã đổ về thủ đô Washington hôm thứ Bảy để biểu tình yêu cầu kiểm soát súng chặt chẽ hơn.

Cuộc tuần hành kết thúc bằng một cuộc tập họp tại Đài kỷ niệm Tổng thống Washington, nơi Bộ trưởng Giáo dục Arne Duncan kêu gọi Quốc hội chấp thuận những sáng kiến của Tổng thống Barack Obama nhằm ngăn chặn bạo lực súng ống. Ông Duncan nói:

“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong phạm vi quyền hạn của mình nhằm đảm bảo bộ luật này được thông qua để con em, gia đình, và cộng đồng của chúng ta được an toàn hơn.”

Ông Duncan nói nghị trình của chính quyền là tập trung vào an toàn súng ống chứ không phải tước bỏ quyền hiến định của người dân Mỹ là được sở hữu súng.

Sự xuất hiện của bộ trưởng giáo dục tại cuộc tập họp là một phần trong chiến lược của Tòa Bạch Ốc nhằm đưa vấn đề ra trước công chúng.

Phó Tổng thống Joe Biden, người đưa ra những khuyến nghị làm nền tảng cho sáng kiến kiểm soát súng của Tổng thống Obama, đã xuất hiện nhiều lần trước công chúng trong mấy ngày qua cũng với nỗ lực vận động công chúng.

Hôm thứ Sáu, phó Tổng thống Biden đã tổ chức một buổi thảo luận với người dân thường và các giới chức địa phương tại thành phố Richmond bang Virginia.
Phó Tổng thống vào thứ Năm cũng xuất hiện trên Internet trong một cuộc trò chuyện về việc kiểm soát súng. Ông nói:

“Nếu chúng ta có thể làm một việc nào đó mà chỉ cứu được sinh mạng của một đứa trẻ hay một cá nhân thôi thì đó cũng là việc đáng để làm. Nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể làm nhiều hơn thế.”

Một phần trong nghị trình của chính quyền là đề nghị cấm các loại súng tấn công kiểu quân đội, như loại súng đã được dùng để giết 20 em nhỏ và 6 người lớn tại một trường học ở Connecticut vào tháng 12 năm ngoái.

Hôm thứ Năm, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Diane Feinstein đã đề xuất một dự luật cấm vũ khí tấn công. Bà phát biểu:

“Những thứ vũ khí vốn được thiết kế để quân đội giết nhiều người trong các cuộc giao tranh lại được chế tạo rập khuôn để dùng cho mục đích dân sự. Bằng cách này hay cách khác, chúng rơi vào tay những kẻ giết người bất mãn, những băng đảng, những người tâm thần bất ổn hay mắc bệnh tâm thần.”

Các nhà lập pháp, kể cả nghị sĩ Feinstein, thừa nhận thông qua luật kiểm soát súng sẽ khó khăn.

Wayne LaPierre, người đứng đầu tổ chức Hiệp hội Súng Quốc gia đầy thế lực
Wayne LaPierre, người đứng đầu tổ chức Hiệp hội Súng Quốc gia đầy thế lực

Hầu hết thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội, và ngay cả một số thành viên đảng Dân chủ, chống lại việc này. Nhiều nhà lập pháp ủng hộ Hiệp hội Súng Quốc gia (NRA), một tổ chức đầy thế lực vận động để bảo vệ quyền sở hữu súng. Ông Wayne LaPierre, người đứng đầu NRA, mới đây nói rằng những công dân tuân thủ luật pháp nên được phép sở hữu nhiều súng ngang bằng những tội phạm. Ông giải thích:

“Chúng tôi tin là chúng ta đáng được và có quyền có cùng mức độ tự do mà các nhà lãnh đạo chính phủ giữ riêng cho họ. Và có cùng những tính năng, cùng những công nghệ mà những kẻ tội phạm sử dụng để làm hại chúng ta và gia đình chúng ta. Điều này có nghĩa là chúng ta tin vào quyền bảo vệ bản thân và gia đình bằng công nghệ súng bán tự động.”

Dù vấp phải những khó khăn trong việc thông qua luật cấm vũ khí tấn công, những sáng kiến khác của chính quyền để giảm bớt bạo lực về súng có nhiều cơ may được thông qua hơn.

Các chuyên gia nói rằng, những đề xuất tăng cường những đòi hỏi bắt buộc về kiểm tra lý lịch, theo dõi và quản lý tốt hơn việc bán súng, và giữ cho súng không rơi vào tay những người mắc bệnh tâm thần là những sáng kiến được công chúng ủng hộ.

Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ tổ chức cuộc điều trần đầu tiên về bạo lực do súng gây ra vào ngày thứ Tư tuần tới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG