Diễn biến vụ bê bối chính trị Bạc Hy Lai
Diễn biến vụ bê bối chính trị Bạc Hy LaiNgày 2 tháng 2: Vương Lập Quân, giám đốc sở cảnh sát thành phố Trùng Khánh và đồng minh chính của ông Bạc, bị giáng chức.
Ngày 6 tháng 2: Ông Vương chạy đến lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô nghe nói là để xin tị nạn.
Ngày 2 tháng 3: Tân Hoa Xã nói ông Vương đang bị điều tra.
Ngày 9 tháng 3: Ông Bạc lên tiếng bào chữa cho mình và vợ, bà Cốc Khai Lai, trong một cuộc họp báo tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc.
Ngày 15 tháng 3: Ông Bạc bị cách chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh.
Ngày 26 tháng 3: Anh yêu cầu Trung Quốc điều tra cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood hồi tháng 11 năm trước ở Trùng Khánh.
Ngày 10 tháng 4: Ông Bạc bị gạt khỏi Bộ chính trị và bị đình chỉ mọi chức vụ trong Đảng. Trung Quốc nói bà Cốc đang bị điều tra về cái chết của Heywood.
Ngày 17 tháng 4: Tờ New York Times đưa tin các giới chức Hoa Kỳ đã từ chối không giao ông Vương lại cho cảnh sát địa phương và chỉ đồng ý trao ông cho chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.
Ngày 26 tháng 7: Bà Cốc Khai Lai bị buộc tội mưu sát ông Heywood.
Ngày 9 tháng 8: Bà Cốc ra hầu tòa. Bà không phản đối cáo buộc bà mưu sát ông Heywood.
Ngày 10 tháng 8: 4 viên chức cảnh sát bị đưa ra xét xử vì cáo giác giúp bao che vụ mưu sát ông Heywood.
Hôm nay tòa tuyên án tử hình bà Cốc Khai Lai nhưng lại cho hoãn thi hành án. Bản án được đưa ra sau khi phiên tòa kéo dài 7 tiếng diễn ra chóng vánh hồi tháng trước ở thành phố Hợp Phì, phía đông Trung Quốc.
Tin tức cho hay trong phiên tòa xét xử, bà Cốc đã thừa nhận đổ thuốc độc vào miệng ông Neil Heywood sau khi ông này đe dọa con trai bà vì bất đồng trong một vụ làm ăn.
Ông Đường Nghị Can, một giới chức tòa án ở Hợp Phì, phát biểu trước phóng viên về phán quyết ngày hôm nay.
Ông Ðường nói tòa án xem xét vụ việc và nhận định rằng bà Cốc vẫn có khả năng chịu trách nhiệm hình sự mặc dù lúc gây án bà bị rối loạn tâm lý. Ông này nói mặc dù hành vi tự chủ của bà Cốc bị suy giảm, song bà hoàn toàn có khả năng nhận biết được bản chất và hậu quả của tội ác mà mình gây ra.
Ngoài bà Cốc còn có Trương Hiểu Quân, một phụ tá của gia đình họ Bạc, cũng bị buộc tội đồng phạm trong vụ đầu độc ông Heywood. Người này bị kết án 9 năm tù giam.
Ông Ðường nói sở dĩ bà Cốc Khai Lai tránh bị thi hành án tử hình ngay lập tức là vì bà đã cung cấp cho toà án những manh mối để lần ra hoạt động bất hợp pháp của những người khác và đóng vai trò tích cực trong việc điều tra những vụ việc có liên quan. Tuy nhiên, ông nói tòa án không chấp nhận lời khai của bà Cốc rằng vì ông Heywood đe dọa con trai Bạc Qua Qua mà bà thực hiện hành vi mưu sát ông này.
Ông Ðường không nói rõ bà Cốc đã cung cấp thông tin gì cho tòa án hay vụ án nào mà ông đề cập đến.
Ở Trung Quốc, khi án tử hình treo được đưa ra thì thông thường được chuyển thành tù chung thân sau hai năm. Ông Đường nói cả bà Cốc và ông Trương đều không kháng án.
Một luật sư đại diện cho gia đình ông Neil Heywood cho biết ông sẽ nói chuyện với họ về phán quyết của tòa, nhưng không biết họ sẽ nộp đơn kháng cáo hay không.
Mặc dù phán quyết vụ án bà Cốc đã khép lại cuộc điều tra về vụ giết người, nhưng nhiều câu hỏi vẫn còn để ngỏ về tương lai của chồng bà, ông Bạc Hy Lai.
Ông Bạc bị cách chức Bí thư thành ủy thành phố Trùng Khánh hồi đầu năm nay sau khi cựu giám đốc cảnh sát thành phố, ông Vương Lập Quân, cáo buộc bà Cốc giết người.
Cuộc đào thoát ngoạn mục của Vương vào lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô hồi tháng Hai lần đầu tiên đưa chi tiết về vụ giết người này ra ánh sáng. Dự kiến ông Vương cũng sẽ được đưa ra xét xử nhưng không rõ sẽ xét xử ở đâu và ông sẽ phải đối mặt với cáo buộc gì.
Một số nhà phân tích chính trị tin rằng phiên tòa xét xử bà Cốc và những người khác chỉ là màn dạo đầu cho việc chính thức trừng phạt ông Bạc.
Ban lãnh đạo chính trị của Trung Quốc đang trong quá trình thay đổi nhân sự sau một thập kỷ.
Ngoài bản án dành cho bà Cốc và người phụ tá của gia đình, bốn viên chức cảnh sát ở Trùng Khánh cũng bị kết án ở Hợp Phì và bị kết tội tìm cách để che đậy vụ giết người.
Hình ảnh vụ án Bạc Hy Lai