Tòa án tối cao ở châu Âu đã ra phán quyết nghiêng về một sinh viên Áo, người đã khởi kiện với lập luận cho rằng một hiệp định bảo vệ dữ liệu xuyên-Đại Tây Dương, đã không đủ hiệu quả để bảo vệ sự riêng tư của người sử dụng mạng xã hội Facebook có trụ sở tại Mỹ.
Tòa án châu Âu phán quyết hôm thứ Ba rằng hiệp ước được gọi là hiệp ước “Cảng An Toàn” không loại bỏ được sự cần thiết phải có những tổ chức theo dõi để đảm bảo rằng các công ty của Mỹ bảo vệ đầy đủ các dữ liệu của người sử dụng ở châu Âu.
Tòa án này nói rằng các giới chức quản lý ở Ireland, nơi đặt bản doanh của Facebook ở châu Âu, giờ đây phải quyết định xem liệu việc truyền tải thông tin của mạng xã hội này từ châu Âu tới Mỹ có nên bị đình chỉ không.
Hiệp ước Cảng An Toàn, có hiệu lực từ 15 năm qua, được lập ra để cho phép các công ty của Mỹ trao đổi dữ liệu với châu Âu mà không vi phạm các luật về quyền riêng tư của châu Âu. Hơn 4.000 công ty của Mỹ áp dụng các điều khoản của hiệp ước này để tiến hành kinh doanh xuyên Đại Tây Dương.
Quyền riêng tư đã là sự chú ý ở cả châu Âu và Mỹ kể từ khi thông tin phát tán cách đây 2 năm, thông qua người tố giác của Mỹ có tên Edward Snowden, cho biết Mỹ đã theo dõi trái luật người dân châu Âu và cả những người không phải là công dân Mỹ.
Sinh viên người Áo, tên Max Schrems, đã đưa vụ việc này ra Tòa án châu Âu, và cho rằng các giới chức quản lý dữ liệu của Ireland đã không thể bảo vệ được các thông tin cá nhân của anh ta khỏi các dịch vụ theo dõi của Mỹ.
Washington và Brussels hiện đang cùng làm việc để đưa ra một hiệp định mới về quyền riêng tư để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của châu Âu.