Từ khi chính quyền Bangladesh tuyên bố bắt đầu đưa người tị nạn Rohingya đến định cư trên một hòn đảo xa xôi trong vịnh Bengal, nhiều người tị nạn cảm thấy lo âu căng thẳng.
Ông Mohammad Eliyas đã trốn bạo lực ở Myanmar và chạy sang tị nạn ở Bangladesh, ông nói ông rất sợ hãi khi nghĩ đến việc bị buộc phải dời đến đảo Thengar Char, một hòn đảo chỉ mới nổi lên cách nay 10 năm và vẫn bị ngập khi thuỷ triều lên cao.
Ông Eliyas, 50 tuổi, là một công nhân, ông sống với vợ và hai con tại một khu ổ chuột ở quận Bazar Cox. Ông nói:
"Vì mạng sống của mình, chúng tôi đã vượt biên sang Bangladesh, chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ được bảo vệ tốt hơn ở đất nước có đa số theo Hồi giáo này. Nhưng bây giờ chúng tôi được lệnh phải di dời đến một hòn đảo xa xôi."
Các tổ chức bênh vực nhân quyền đã bày tỏ quan ngại sâu xa về kế hoạch gây tranh cãi của chính phủ đưa người tị nạn đến hòn đảo. Họ nói kế hoạch này có nguy cơ gây ra một thảm họa về nhân quyền và nhân đạo.
Lệnh của chính phủ nói rằng những người tị nạn, có đăng ký và chưa đăng ký, sẽ được chuyển ra đảo để ngăn họ "trà trộn" với công dân Bangladesh.
Bangladesh cho rằng người tị nạn Rohingya đã làm cho tình trạng trật tự xã hội ở Đông-Nam Bangladesh xấu đi, đồng thời đổ lỗi cho họ là làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên rừng, và làm lây lan bệnh truyền nhiễm, còn gây ra "các vấn đề xã hội và kinh tế khác".
Nhưng ông Chowdhury Rafiqul Abrar, người đứng đầu Đơn vị nghiên cứu Phong trào di cư và tị nạn ở Dhaka (RMMRU), nói rằng quy kết trách nhiệm cho cộng đồng tị nạn về tất cả những vấn đề đó, là không hợp lý.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, nói rằng chính phủ Bangladesh cần hiểu rằng bảo vệ người tị nạn đòi hỏi phải tham vấn ý kiến của họ để tìm hiểu những nhu cầu của họ.