Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa rút lại giải thưởng nhân quyền uy tín nhất đã được trao cho bà Aung San Suu Kyi, cáo buộc lãnh đạo Myanmar lạm dụng nhân quyền qua việc không lên tiếng về bạo lực đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya, theo Reuters.
Sau khi được vinh danh là người đi đầu trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, bà Suu Kyi đã bị tước đi một loạt các vinh danh quốc tế vì cuộc di cư của người Rohingya, bắt đầu vào tháng 8 năm 2017.
Hơn 700.000 người thuộc sắc tộc Rohingya bị xem là không có quốc tịch đã chạy trốn qua biên giới phía tây của Myanmar để vào Bangladesh sau khi quân đội Myanmar phát động một cuộc đàn áp nhằm đối phó với các cuộc tấn công nổi dậy của người Rohingya vào lực lượng an ninh.
Các nhà điều tra viên Liên Hiệp Quốc cáo buộc quân đội đã thực hiện một chiến dịch giết người, hiếp dâm và đốt phá với “ý định diệt chủng”.
Chính quyền của bà Suu Kyi bác bỏ những cáo buộc này, gọi đó là “một chiều” và nói rằng hành động quân sự đã được thực hiện trong một chiến dịch chống nổi dậy hợp pháp.
Nhóm nhân quyền quốc tế đã xướng tên bà Suu Kyi cho giải thưởng Đại sứ Lương tâm năm 2009 khi bà vẫn còn bị quản thúc tại gia vì phản kháng lại sự áp bức của chính quyền quân sự ở Myanmar.
Trong 8 năm kể từ khi được thả, bà Suu Kyi đã dẫn dắt đảng của mình giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 và thành lập chính phủ vào năm sau, nhưng bà phải chia sẻ quyền lực với các tướng lĩnh và không được giám sát các lực lượng an ninh.
Trong một tuyên bố hôm 13/11, tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng bà đã không lên tiếng và đã “bao che cho lực lượng an ninh khỏi bị quy trách nhiệm” về bạo lực đối với người Rohingya, gọi đây là “sự phản bội đáng xấu hổ về những giá trị mà bà từng tranh đấu”.
Tổng thư ký của tổ chức vận động trên toàn cầu, Kumi Naidoo, đã viết thư cho bà Suu Kyi hôm Chủ nhật, nói rằng tổ chức đã rút lại giải thưởng vì “cực kỳ thất vọng vì bà không còn là một biểu tượng đại diện cho niềm hy vọng, lòng dũng cảm, và sự bảo vệ bất tử cho nhân quyền”.
Vào tháng Ba, Bảo tàng Tưởng niệm Diệt chủng Do Thái của Mỹ đã hủy bỏ giải thưởng cao nhất đã dành cho bà Suu Kyi. Nhiều vinh danh khác của bà cũng bị thu hồi, bao gồm giải thưởng tự do của các thành phố Dublin và Oxford, Anh, vì cuộc khủng hoảng Rohingya.
Vào tháng Chín, quốc hội Canada đã bỏ phiếu tước quốc tịch danh dự dành cho bà Suu Kyi.
Những người chỉ trích cũng kêu gọi rút lại Giải Nobel hòa bình đã trao cho bà Suu Kyi năm 1991, nhưng những người giám sát giải thưởng nói họ sẽ không làm như vậy.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói bà Suu Kyi đã không lên án các vụ lạm dụng quân sự trong các cuộc xung đột giữa quân đội và du kích thiểu số ở miền bắc Myanmar và chính phủ của bà đã áp đặt những hạn chế trong việc tiếp cận đối với các nhóm nhân đạo.
Tổ chức này nói chính phủ của bà cũng đã không ngăn chặn các cuộc tấn công vào tự do ngôn luận.