gặp gỡ một dòng sông
Hình như thành phố cổ nào cũng nương theo một dòng sông. Huế, Việt Nam, có dòng Hương Giang thơ mộng. Luân Đôn, Vương Quốc Anh, có dòng sông Thames êm đềm. Roma, Ý Đại Lợi, có dòng Tevere lặng lẽ. Bonn, Cộng Hòa Liên Bang Đức, sinh quán của Beethoven, có dòng Rhine mênh mang. Paris, thành phố ánh sáng, dĩ nhiên mệnh danh với dòng Seine lãng mạn. New York, tuy không được coi là “cổ” trong lịch sử thế giới, cũng có dòng Hudson bàng bạc. Và những thành phố cổ khác đều tọa lạc bên cạnh những dòng nước.
Có một thành phố cổ, tuy không được biết đến một cách quen thuộc như những đại danh Paris hay Luân Đôn, cũng chảy bên một dòng sông trong một quốc gia tí hon. Salzburg, với con sông chính là dòng Salzach chảy vào cả nước Đức, là một trong những thành phố du lịch rất phong phú về lịch sử của Vương quốc Áo. Vì là một thành phố nhỏ trong một quốc gia nhỏ, nên du khách chỉ có thể đến Salzburg trên những chuyến bay hàng không dân dụng nội địa từ những nước lân bang, chứ không thể đáp những chuyến bay quốc tế trực tiếp từ các châu lục khác như khi đến những thành phố lớn ở Châu Âu.
Mạch nguồn của sông Salzach khởi đi từ Kitzbühel Alps, tuôn về hướng Đông cho đến Schwarzach im Pongau thì xoay về hướng Bắc và xuyên qua thành phố Hallein và Salzburg. Con sông này tạo nên biên giới giữa Bavaria, nước Đức, và nước Áo trong khoảng 70 km. Cũng giống như thành phố Salzburg, dòng sông Salzach có cái khiêm nhu và e ấp của nó. Nhìn từ trên không, Salzach như một con lạch tí hon len lỏi giữa trùng điệp của dãy núi Alps. Dài 225 km, Salzach chiết mạch từ dòng sông Inn, và tên nó có nghĩa là Sông Muối. Tên “muối cơm” này có được là bởi vì mãi cho đến thế kỷ thứ 19, sinh hoạt chuyển tải muối dọc con sông này là một phần chính của nền kinh tế địa phương. Khi hỏa xa được khai mở trong vùng, thì việc vận chuyển bằng đường thủy bị mai một đi.
giai điệu hạnh phúc
Đối với Hollywood hay những ai yêu thích thế giới điện ảnh, thì Salzburg là “quê hương” của phim nhạc "Giai điệu hạnh phúc" (The Sound of Music) lừng danh. Nhưng đối với dân bản xứ, giai điệu hạnh phúc đối với họ là dòng nhạc Mozart. Cậu quý tử của thành phố Baroque này hiện hữu hầu như khắp nơi ở Salzburg. Từ những hòn chocolate có chân dung của ông, cho đến tượng đài cao ngất trong quảng trường của phố cổ trước bảo tàng viện Salzburg, nhà soạn nhạc cổ điển này góp phần định nghĩa chỗ đứng của nơi chôn nhau cắt rốn của mình trên bản đồ thế giới.
Phố cổ của Salzburg nằm uốn theo dòng sông Salzach với quảng trường thênh thang nằm kề bảo tàng viện, nơi mà du khách khi vừa bước qua ngưỡng cửa sẽ bắt gặp âm điệu Mozart lả lướt trong không gian. Những tiệm đồ lưu niệm trưng bán những món hàng thủ công từ nhiều nơi ở Châu Âu. Từ những đôi guốc gỗ đế cao Hòa Lan, cho đến những mộc phẩm điêu khắc từ gỗ bạch dương của Bắc Âu, những món hàng tại bảo tàng viện mách cho du khách về thị hiếu mỹ thuật của người dân bản xứ. Trên tầng hai của quầy hàng lưu niệm là những sạp vải và phòng may đặc biệt cung cấp vải sợi truyền thống của Áo, và phục vụ những ai có nhu cầu may y phục cổ truyền.
Người dân Salzburg rất tự hào về lịch sử địa phương của họ, và về một thời lẫy lừng vùng đất này trực thuộc bảo quyền của Hoàng đế. Trước đây, Salzburg được cai quản bởi các tổng giám mục, kết hợp mật thiết đời sống dân gian cả đạo lẫn đời. Sau Đệ nhị thế chiến, Salzburg trở thành một trong những trung tâm thương mại của Áo. Mệnh danh là “hòn ngọc Baroque,” phố cổ Salzburg sánh vai với Lâu Đài Schönbrunn là hai địa danh được UNESCO ấn chọn vào danh sách Di Sản Văn Hóa và Thiên Nhiên Thế Giới trên toàn lãnh thổ Áo. Nhưng niềm tự hào nhất có lẽ vẫn là danh tài Mozart. Khi đi quanh khu phố cổ, ta lại được nhắc nhở một lần nữa về niềm kiêu hãnh này, đặc biệt tại ngôi nhà triển lãm nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Sinh năm 1756, Mozart đã được coi là ái tử vĩ đại nhất của Áo. Năm 1842, tượng đài của ông đã sừng sững mọc lên và ngự trị tại quảng trường này cho đến ngày hôm nay.
Tôi cho rằng giai điệu hạnh phúc của Salzburg là dòng nhạc Mozart, vì ở nơi đây, tinh hoa âm nhạc của ông được nâng niu và trân quý. Thật phúc thay cho những vùng đất có những người con tài ba lỗi lạc, để có di sản mà lưu truyền từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, và thi thố với thế giới. Nhưng phúc hơn cho những danh nhân có được một nơi để gọi là nhà. Tôi chạnh lòng nghĩ đến những vĩ nhân Việt Nam. Có rất nhiều người trong số họ mang kiếp lưu vong – liệu ai sẽ là người tưởng nhớ họ, đâu sẽ là mảnh đất ưu ái gọi họ là những đứa con yêu dấu?
những điều răn cho du khách
Có điều cấm, cũng có điều khuyên. Tuy nhiên, có nhiều tổ chức cảm thấy cần phải mang thi vị trở lại với những chuyến viếng thăm Salzburg, đã khuyến cáo du khách về những điều không nên làm. Đây là những khuyến cáo rất thực tế cho những du khách lần đầu đến đây. Chẳng hạn, không nên mua kẹo viên chocolate với hình Mozart trong khu trung tâm thành phố. Giá cả sẽ rất “cao cấp.” Không nên đi theo đoàn, vì sẽ làm mất đi không khí nhẹ nhàng êm ả của nơi này. Nên mua thức ăn bên mạn phải của dòng sông, vì giá cả ở đây sẽ nhẹ nhàng hơn (gần Lâu đài Maribell). Tránh mua thức ăn ở Augustinerbräu tại Mülln, mà nên vào các siêu thị gần đó để mua và mang theo. Những “điều răn” khác cũng xoay quanh mục đích giúp cho du khách có một chuyến thăm thú vị và lịch lãm. Và dĩ nhiên, không nên dung túng những người phục vụ thiếu lễ độ tại các nhà hàng lộ thiên.
Một trong những điều được lập lại trong các tài liệu về Salzburg, là lịch sử diệt chủng và bài học Hitler, như một sự nhắc nhở chung cho lương tâm nhân loại. Có nhiều trang nhà cũng đề nghị du khách dừng chân ở một nơi yên tĩnh để hồi tâm về những trang sử đen tối nhất của nhân loại, và quyết tâm không cho phép những trang sử này được lập lại. Đêm mùa hè, đứng nhìn dòng nước lặng lờ trôi, tôi chợt nghĩ, không biết những ám khí của một thời tăm tối như thời diệt chủng Hitler, sẽ đến bao giờ mới khuất? Đấy là chuyện đã qua còn như thế. Còn những tăm tối vẫn chưa qua thì sao? Tôi chưa thấy ai đề nghị du khách đến Việt Nam dừng chân lắng lòng tìm về cội nguồn lịch sử và tang thương chiến tranh. Thật là một điều lạ lùng, bởi vì trong lịch sử thế giới, chưa có quốc gia nào phải chịu cam qua nhiều như Việt Nam: mười lăm thế kỷ chiến chinh. Bao vong linh đã phải đá nát vàng phai dưới tên bay đạn lạc?
tiếng tăm, mắm muối...
Lần đầu tiên tôi gặp một người dân đến từ Vương quốc Áo, là khi tôi sống tại chung cư sinh viên Lappis của Đại học Stockholm ở Thụy Điển. Tuy có nhiều sinh viên thông thạo tiếng bản xứ, nhưng vì các viện đại học Thụy Điển tạo điều kiện cho sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đến du học tại quốc gia này, nên tiếng Anh là ngôn ngữ chung. Đa phần, các sinh viên trong chung cư trao đổi với nhau qua tiếng Anh, trừ phi họ có bạn bè đồng hương. Anh sinh viên người Áo ấy không có “họ hàng” như các sinh viên khác đến từ quốc gia láng giềng của Thụy Điển như Đức hay Liên Xô, nhưng anh lại thường trò chuyện bằng tiếng Đức với các sinh viên người Đức. Tôi đâm ra thắc mắc tại sao người Áo không có ngôn ngữ riêng của họ. Khi tôi hỏi, thì người bạn của tôi chỉ bảo, “Người Áo nói tiếng Đức.” Đơn giản như thế ư?
Không hẳn! Phải đi vào trùng trùng điệp điệp những trang sử Châu Âu và lịch sử nước Áo để hiểu tại sao người Áo nói tiếng Đức. Trong một chuyến đi ngắn hạn, tôi không thể cảm nhận hết mọi điều về Salzburg hay nước Áo. Duy có một điều tôi cảm nghiệm rất rõ. Đó là khi ở Salzburg, tuy được chiêu đãi những món ăn trứ danh của dân tộc Áo, nhưng tôi vẫn thấy khó thưởng thức. Nghĩ mãi, tôi mới nhận ra: thì ra thức ăn ở đây không chỉ đậm đà, mà còn rất mặn mà – mặn hơn hẳn thức ăn ở mười mấy nước Châu Âu khác tôi đã có dịp ghé qua. Thật không sai: đến thành muối, thì ẩm thực cũng mặn mà. Salzburg thật không hổ với cái tên “muối cơm” của mình.
Viết ngày Đáo hạ, tại La Jolla