Đường dẫn truy cập

Tinh thần học hỏi để phục vụ


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tôi may mắn làm việc trong lĩnh vực phục vụ. Khách hàng của tôi đến từ khắp nơi trên thế giới, công dân Úc hoặc người nước ngoài. Với mọi người, bất kể màu da, tôn giáo, sắc tộc, tuổi tác, phái tính v.v… quy tắc hành xử của nơi tôi làm là không phân biệt. Chúng tôi phải đối xử với tất cả mọi người trên tinh thần không thiên vị, cam kết, tương kính, trách nhiệm, và đạo đức. Không phải cũng như thế với mọi người mọi lúc, nhưng đó là những nguyên tắc và giá trị chung mà chúng tôi phải học hỏi không ngừng để phục vụ tốt nhất.

Các đồng nghiệp của tôi phần lớn đã có được, hay phát triển được, tư duy và cung cách hành xử này. Nếu không phải là bản tính tự nhiên của họ, thì sau một thời gian làm việc, họ sẽ phải xây dựng và phát triển được. Nếu không thì phải đổi công việc. Nó trở thành thói quen, và sau một thời gian, trở thành một điều gì đó tự nhiên. Thật là khó tồn tại hoặc thăng tiến nếu chúng tôi không có tư duy đó. Văn hóa nơi tôi làm việc là thế.

Có thể nói một cách rộng hơn, tinh thần phục vụ là điều căn bản của mọi hoạt động con người tại đây. Chúng tôi được khuyến khích lên tiếng để lên án những hành vi sai trái, của mọi cấp, bất kể là lãnh đạo rất cao, hay cao nhất, của mình, và vẫn được luật pháp bảo vệ nếu có lý do và bằng chứng chính đáng. Tôi cho rằng, chính tinh thần phục vụ này, của Úc và của các xã hội tân tiến, đã là nền tảng căn bản cho sự phát triển không ngừng của những quốc gia này. Thực tế là tất cả chúng tôi đều luôn biết bảo vệ và tranh đấu không ngừng cho quyền lợi của mình. Nhưng tinh thần phục vụ vì mục đích chung, cho toàn xã hội và cho nhân loại, là điều được khuyến khích và phát huy mãi. Tôi nghĩ người Việt chúng ta, nhất là công chức Việt Nam, bất kể quan điểm chính trị hay tôn giáo, cần học hỏi rất nhiều tinh thần phục vụ này để sau này xây dựng đất nước giàu mạnh, công lý và bình đẳng hơn.

Nhưng thế nào là phục vụ? Theo tự điển Oxford thì phục vụ (service) là hành động giúp đỡ hay làm việc cho người khác. Phục vụ công chúng (public service), tức các công chức, là để giúp cho mọi người, trong địa hạt trách nhiệm của mình, cho các nhu cầu hay mong muốn cụ thể của người khác.

Tinh thần phục vụ không chỉ là lời nói suông. Nó phải là hành động cụ thể. Nó phải đưa đến kết quả cụ thể.

Phải thú thật rằng là tôi vô cùng may mắn có cơ hội làm việc với những đồng nghiệp vừa tài giỏi vừa khiêm cung. Cho nên tôi không những cảm thấy thoải mái khi làm việc với họ, mà còn học hỏi được khá nhiều từ kiến thức, kinh nghiệm, cách giải quyết vấn đề, cũng như cách quản lý quan hệ của họ. Ở đây xin bàn về tư duy bằng cấp, phê bình và hiếu học.

Đầu tiên, xin nói về bằng cấp. Nhiều đồng nghiệp của tôi có bằng cao học hoặc tiến sĩ, nhưng không hề cao ngạo, phách lối. Bằng cấp, họ biết, chỉ là một mức đo. Nhiều người không có bằng cấp nhưng khả năng không hề thua kém ai. Trong thâm tâm, ai cũng hiểu rằng, kiến thức là bao la và vô tận, mà bằng cấp chỉ mang tính thời gian. Mỗi ngày chúng ta tiếp nhận thông tin, kiến thức mới, và gạn lọc những thứ vô bổ. Cho đến cuối đời người, nếu còn minh mẫn thì cùng lắm chúng ta có thể biết thâm sâu về những gì mình chuyên môn thôi, chứ không thể biết mọi thứ. Cho dầu biết tận cùng một số lĩnh vực đi chăng nữa thì điều đó cũng không phải là bất tử. Hơn nữa, nhìn chung quanh thì còn biết bao người khác cũng có khả năng và tài giỏi hơn mình. Vì thế, tôi cảm thấy đại đa số đồng nghiệp tôi không tự ti, nhưng tự tin và tự trọng, trong sự cố gắng học hỏi không ngừng mỗi ngày. Sự cố gắng học hỏi, lắng nghe và cải thiện mỗi ngày mới là quyết định.

Kế đến, xin nói về việc phê bình. Tôi nghĩ làm người không ai muốn mình lầm lỗi, và không muốn bị phê bình là mình sai. Nhưng đó là điều bất khả. Hàng ngày chúng ta phải quyết định hàng chục, hàng trăm hay có khi hàng ngàn vấn đề lớn nhỏ khác nhau. Là con người, những quyết định này, dù ý thức đến mấy, cũng không thể nào đúng hoài. Cho nên, người biết điều nên tránh nói chuyện sai hay đúng. Không những thế, ngoài khoa học, sai hay đúng là phạm trù triết học, mang nhiều tính chủ quan, nên luôn gây tranh cãi. Do đó, khi tranh luận, chúng ta nên tập trung vào các lập luận được đưa ra, và các dữ kiện có đầy đủ, trung thực và khả tín không. Công việc tôi làm không trắng hay đen, mà toàn màu xám. Cái khó, nhưng đồng thời lắm thú vị, nằm ở đó. Tất cả mọi vấn đề đều mang tính tương đối, nên tùy vào nhận thức của mỗi người. Không ai muốn mình bị tổn thương, nên tốt nhất không nên gây tổn thương đến người khác. Tất cả đều vì công việc chung, mang tính chuyên nghiệp cao. Vì vậy, chúng tôi đọc bài vở của nhau và thẳng thắn phê bình nhau, dựa trên những dữ kiện và lập luận đưa ra trong các bài đó. Chúng tôi hiểu rằng, những ý kiến phê bình từ người khác luôn bổ ích trong việc giúp mình nhìn ra vấn đề mà trước đây mình không thấy. Đồng thời, việc phê bình còn giúp hoàn thiện các suy luận của mình nếu thiếu chặt chẽ. Nói chung phê bình là vô cùng cần thiết và hữu ích.

Sau cùng, xin nói về tinh thần hiếu học. Trước khi làm một việc gì đó, người Tây phương, hay nói chung là đồng nghiệp người Úc tại nơi tôi làm, luôn tìm hiểu về mọi thông tin dữ kiện liên hệ trước. Có điều gì không rõ hoặc thắc mắc thì họ đặt câu hỏi, đi tìm câu trả lời, và đi tìm đúng người để hỏi cho ra lẽ. Kiến thức của họ rất sâu và rộng, và không hề tự mãn. Rất nhiều lần một số đồng nghiệp của tôi, tuy đầy kinh nghiệm, kiến thức và khả năng, nhưng lại tìm đến trao đổi với tôi, hoặc những đồng nghiệp khác. Họ dư khả năng, kinh nghiệm và lý luận, nhưng họ vẫn muốn biết người khác nghĩ sao và có gì hay để học hỏi không. Có khi họ chỉ muốn xem mình nghĩ gì và giải quyết vấn đề ra sao. Có lúc vì đó là những tình huống mới, nên họ muốn biết tất cả những khía cạnh quan yếu để chuẩn bị trước khi bắt tay vào các trường hợp này. Lúc khác, họ muốn xem có phải cách hiểu và lý giải về luật pháp như thế có chính đáng không, chẳng hạn. Khi khác nữa, họ muốn tìm hiểu cặn kẽ các đặc tính của một cộng đồng sắc tộc nào đó, vì những gì họ hiểu biết có thề chủ quan hay định kiến. V.v… Tóm lại, họ tìm đến người khác với óc hiếu kỳ, với tâm tư lắng nghe học hỏi, nhưng luôn luôn dùng tư duy suy xét và phản biện. Tất cả đều vì động cơ muốn làm tốt nhất công việc của mình, để phục vụ một cách hiệu quả nhất cho xã hội và đất nước này.

Tóm lại, chuẩn bị kỹ càng trước khi làm bất cứ việc gì là thói quen của họ. Như Abraham Lincoln từng nói, cho tôi 6 tiếng để chặt cây thì tôi sẽ dành 4 tiếng để mài búa. Lên kế hoạch, tính toán kỹ lưỡng và chi tiết, và suy nghĩ triệt để v.v… nằm trong tư duy và văn hóa làm việc của họ.

Làm việc với người Việt lâu nay, tôi nhận thấy phần lớn dường như không có tư duy này. Chửi mắng, thay vì phê bình, là một thói quen của số đông. Lãnh đạo ĐCSVN thì không chửi, chỉ bắt nhốt bỏ tù hết để bịt miệng và răn đe người còn lại. Trọng bằng cấp và dường như xem nó là thước đo về sự thành đạt, thay vì khả năng thực sự/tài cán (merits). Hứng là làm, và khi làm thì hiếm khi có kế hoạch hay sách lược đường dài. Là điều bình thường. Nhưng tệ nhất là thiếu tinh thần hiếu học, cái hiếu học và đam mê hiểu biết vấn đề cặn kẽ. Đa số dường như không chịu khó tìm hiểu tỉ mỉ vấn đề trước khi làm điều gì. Đa số thay vì phát huy tinh thần cầu tiến, học hỏi chủ yếu để làm chủ bản thân, thì lại cho mục tiêu địa vị, tiền tài, danh vọng, v.v… (Tuy nhiên, gần đây tôi may mắn gặp một nhà hoạt động trẻ Việt Nam, mới 19 tuổi, nhưng vừa có tinh thần học hỏi như nêu trên, vừa có tinh thần phục vụ xã hội. Tôi thật vui mừng, nhưng vẫn biết đây là trường hợp khan hiếm.)

Khi đứng trước nhiều lựa chọn lựa mà không có những thông tin đa chiều trung thực hay tư duy công bằng khách quan, mọi quyết định của chúng ta sẽ đưa đến những hệ lụy dây chuyền; cho chính mình và người chung quanh. Sự bất công xã hội không chỉ do luật pháp hay định chế, mà do chính từ hành động của con người. Hành động đó đến từ tư duy và thông tin/dữ kiện của người đó. Nếu một trong hai có vấn đề thì hệ quả sẽ tai hại. Còn cả hai tư duy và thông tin đều có vấn đề, thì sự thiệt hại sẽ vô cùng to lớn.

Cho nên, thay đổi con người và xã hội phải đến từ cả tư duy lẫn môi trường. Trong xã hội Việt Nam hiện nay, đó là điều bất khả. Chế độ cầm quyền kiểm soát gần như mọi mặt, từ tư tưởng đến toàn bộ hệ thống thông tin, mặc dầu trên thực tế thì không ai có thể kiểm soát được tư tưởng một người tự do đích thực. Việc tiếp tục bầu chọn Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí Thư vào lúc này đã nói lên được tư duy của toàn Đảng Cộng Sản Việt Nam: lạc hậu, bảo thủ, độc đoán v.v… Họ chọn duy trì quyền lực thay vì cải cách, đổi mới để tốt hơn.

Nhìn như thế, xã hội Việt Nam xem như như tuyệt vọng. Tuy nhiên, ở góc cạnh tích cực thì tôi nghĩ rằng, người Việt vẫn có tinh thần cầu tiến. Nhưng động cơ học hỏi dường như vẫn chỉ dừng lại trong giới hạn cho chính mình thay vì rộng mở cho ngoài xã hội. Thay vì trên tinh thần phục vụ cho dân tộc, cho tha nhân.

Tôi tin rằng khi có tinh thần học hỏi và phục vụ vì mục đích lớn hơn cá nhân, thì mọi thứ sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Điều này thì không ai kiểm soát được mình, nếu mình biết học cách làm chủ bản thân.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG