Đường dẫn truy cập

Tin nói Nga tuyển mộ biệt kích Afghanistan do Mỹ đào tạo


Các binh sĩ lực lượng đặc biệt Afghanistan trong buổi lễ tốt nghiệp tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Kabul ngày 17/7/2021.
Các binh sĩ lực lượng đặc biệt Afghanistan trong buổi lễ tốt nghiệp tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Kabul ngày 17/7/2021.

Các binh sĩ lực lượng đặc biệt Afghanistan từng chiến đấu với lính Mỹ và sau đó chạy sang Iran sau khi Mỹ rút quân vào năm ngoái hiện đang được quân đội Nga tuyển dụng để chiến đấu ở Ukraine, ba cựu tướng lĩnh Afghanistan nói với hãng tin AP.

Họ cho biết người Nga muốn thu dụng hàng nghìn cựu biệt kích tinh nhuệ của Afghanistan vào ‘binh đoàn nước ngoài’ với các khoản lương bổng ổn định 1.500 đô la/tháng và hứa hẹn về nơi trú ẩn an toàn để họ khỏi bị trục xuất về Afghanistan mà nhiều người sợ là sẽ bị Taliban tiêu diệt.

“Họ không muốn chiến đấu - nhưng họ không có lựa chọn nào khác,” một trong những tướng lĩnh vừa kể cho biết. Ông Abdul Raof Arghandiwal nói thêm rằng khoảng hơn chục lính biệt kích ở Iran mà ông đã nhắn tin đang lo sợ bị trục xuất. “Họ hỏi tôi, ‘Hãy cho tôi một giải pháp? Chúng tôi nên làm gì? Nếu chúng tôi quay trở lại Afghanistan, Taliban sẽ giết chúng tôi.’”

Ông Arghandiwal nói việc tuyển mộ do lực lượng lính đánh thuê Nga Wagner Group dẫn đầu. Một tướng khác, ông Hibatullah Alizai, tư lệnh quân đội Afghanistan cuối cùng trước khi Taliban nắm quyền, cho biết nỗ lực này cũng đang được giúp đỡ bởi một cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt Afghanistan sống ở Nga và nói được tiếng Nga.

Việc tuyển quân của Nga diễn ra sau nhiều tháng cảnh báo từ những người lính Mỹ từng chiến đấu với lực lượng đặc biệt Afghanistan rằng Taliban đang có ý định giết họ và họ có thể gia nhập với kẻ thù của Mỹ để duy trì sự sống hoặc vì tức giận với đồng minh cũ của mình.

Một báo cáo Quốc hội do phía đảng Cộng hòa đệ trình vào tháng 8 đã cảnh báo cụ thể về mối nguy hiểm mà các biệt kích Afghanistan - được huấn luyện bởi Lực lượng SEAL của Hải quân Hoa Kỳ và Lực lượng Mũ nồi xanh của Lục quân Mỹ - cuối cùng có thể tiết lộ cho Nhà nước Hồi giáo, Iran hoặc Nga thông tin về các chiến thuật của Hoa Kỳ hoặc có thể chiến đấu cho họ.

Ông Michael Mulroy, một sĩ quan CIA đã nghỉ hưu từng phục vụ tại Afghanistan, nói các biệt kích Afghanistan này có kỹ năng rất cao, là những người chiến đấu dũng mãnh. “Thành thật mà nói, tôi không muốn nhìn thấy họ trên bất kỳ chiến trường nào, mà đặc biệt là không phải chiến đấu chống lại người Ukraine.”

Tuy nhiên, ông Mulroy tỏ ra nghi ngờ rằng người Nga có thể thuyết phục nhiều biệt kích Afghanistan tham gia bởi vì hầu hết những người ông biết đều được thúc đẩy bởi mong muốn làm cho nền dân chủ hoạt động ở đất nước của họ chứ không phải là lính đánh thuê.

Việc tuyển mộ diễn ra trong bối cảnh các lực lượng Nga đang lao đao trước những bước tiến của quân đội Ukraine và Tổng thống Nga Vladimir Putin theo đuổi nỗ lực động viên quân đội, khiến gần 200.000 người Nga phải bỏ trốn khỏi đất nước để trốn nghĩa vụ.

Bộ Quốc phòng Nga không trả lời yêu cầu bình luận. Một phát ngôn viên của ông Yevgeny Prigozhin, người gần đây thừa nhận là sáng lập Tập đoàn Wagner, nói ý kiến về nỗ lực liên tục nhắm tuyển mộ các cựu binh sĩ Afghanistan là ‘điều vô nghĩa điên rồ’.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng không trả lời yêu cầu bình luận, nhưng một quan chức cấp cao cho rằng việc tuyển dụng này không có gì đáng ngạc nhiên vì Wagner đang cố gắng tuyển mộ binh sĩ ở một số quốc gia khác.

Không rõ có bao nhiêu thành viên lực lượng đặc biệt Afghanistan trốn sang Iran đã được Nga ve vãn, nhưng một người nói với AP rằng ông đang liên lạc qua WhatsApp với khoảng 400 lính biệt kích khác, những người đang cân nhắc đề nghị của Nga.

Ông nói rằng nhiều người như ông sợ bị trục xuất và tức giận Mỹ vì đã bỏ rơi họ.

“Chúng tôi nghĩ rằng họ có thể tạo ra một chương trình đặc biệt cho chúng tôi, nhưng không ai thậm chí nghĩ về chúng tôi,” cựu biệt kích yêu cầu giấu tên vì lo sợ cho bản thân và gia đình. “Họ chỉ bỏ lại tất cả chúng tôi trong tay của Taliban.”

Người lính biệt kích cho biết lời đề nghị mà ông nhận được bao gồm thị thực Nga cho bản thân, cho vợ và ba người con còn ở Afghanistan. Những người khác đã được đề nghị gia hạn thị thực của họ ở Iran. Ông cho biết ông đang chờ xem những người khác trong nhóm WhatsApp quyết định gì nhưng cho rằng nhiều người sẽ chấp nhận thỏa thuận.

Các cựu binh Mỹ từng chiến đấu với các lực lượng đặc biệt Afghanistan đã mô tả với AP gần một chục trường hợp, không có trường hợp nào được xác nhận độc lập, về việc Taliban đến từng nhà để tìm kiếm các biệt kích còn lại trong nước, tra tấn hoặc giết họ, hoặc hành động tương tự với các thành viên trong gia đình họ nếu không tìm ra tung tích họ.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết hơn 100 cựu binh sĩ, sĩ quan tình báo và cảnh sát Afghanistan đã bị giết hoặc ‘biến mất’ chỉ ba tháng sau khi Taliban lên nắm quyền bất chấp những lời hứa ân xá. Liên hiệp quốc trong một báo cáo vào giữa tháng 10 đã ghi nhận 160 vụ giết người ngoài tư pháp và 178 vụ bắt giữ các cựu quan chức chính phủ và quân đội.

Anh trai của một lính biệt kích Afghanistan ở Iran, người đã chấp nhận lời đề nghị của Nga, cho biết những lời đe dọa của Taliban khiến rất khó để từ chối. Ông cho biết em của ông đã phải ẩn náu trong ba tháng sau khi Kabul thất thủ, chạy trốn từ nhà người thân này sang nhà người quen khác trong khi Taliban lục soát nhà của ông.

“Em trai tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận lời đề nghị”, ông cho biết. “Đây không phải là một quyết định dễ dàng đối với nó.”

Cựu chỉ huy quân đội Afghanistan Alizai cho biết phần lớn nỗ lực tuyển mộ của Nga tập trung vào Tehran và Mashhad, một thành phố gần biên giới Afghanistan, nơi nhiều người đã chạy trốn. Không ai trong số các tướng lĩnh nói chuyện với AP, bao gồm cả một người thứ ba, Abdul Jabar Wafa, cho hay những người liên hệ của họ ở Iran biết có bao nhiêu người đã chấp nhận đề nghị của Nga.

“Bạn được huấn luyện quân sự ở Nga trong hai tháng, và sau đó bạn ra chiến tuyến,” một tin nhắn mà một cựu binh sĩ Afghanistan ở Iran gửi cho Arghandiwal. “Một số đã ra đi, nhưng họ hoàn toàn mất liên lạc với gia đình và bạn bè. Không có con số thống kê chính xác.”

Ước tính có khoảng 20.000 đến 30.000 lính đặc nhiệm Afghanistan đã chiến đấu với người Mỹ trong cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ, và chỉ có vài trăm sĩ quan cấp cao được cứu thoát khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Vì nhiều biệt kích Afghanistan không làm việc trực tiếp cho quân đội Hoa Kỳ nên họ không đủ điều kiện để được cấp thị thực đặc biệt của Mỹ.

“Họ là những người đã chiến đấu thực sự đến phút cuối cùng. Và họ không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ nói chuyện với Taliban. Họ không bao giờ thương lượng,” ông Alizai nói. “Bỏ lại họ là sai lầm lớn nhất.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG