Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên đặt 2 phi đạn lên bệ phóng di động


Binh sĩ Nam Triều Tiên đứng gác gần khu vực phi quân sự chia đôi 2 miền Nam, Bắc Triều Tiên
Binh sĩ Nam Triều Tiên đứng gác gần khu vực phi quân sự chia đôi 2 miền Nam, Bắc Triều Tiên
Quân đội Nam Triều Tiên đang ra sức chuẩn bị để ứng phó với những vụ phóng phi đạn mà Bắc Triều Tiên có thể sắp sửa thực hiện.

Trong khi đó, vị bộ trưởng ở Seoul phụ trách quan hệ Liên Triều tuyên bố việc khu công nghiệp chung duy nhất giữa hai miền Triều Tiên có tiếp tục hoạt động hay không hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của Bình Nhưỡng.

Nam Triều Tiên đã điều động hai chiến hạm có trang bị ra đa tối tân để theo dõi phi đạn, giữa lúc nhiều người e rằng Bắc Triều Tiên sắp sửa thực hiện những vụ phóng phi đạn có tính chất khiêu khích.

Một chiến hạm được bố trí ở duyên hải phía tây của bán đảo Triều Tiên và chiến hạm kia theo dõi vùng biển ở phía đông.

Hãng tin Yonhap, cơ quan thông tấn bán chính thức của Nam Triều Tiên, trích lời một giới chức cao cấp nói rằng Bắc Triều Tiên đã đặt thêm một phi đạn tầm trung thứ nhì lên một bệ phóng di động.

Bộ Quốc phòng ở Seoul ngày hôm qua xác nhận sự vận chuyển của một phi đạn ở Bắc Triều Tiên.

Bản tin của Yonhap cho biết cả hai phi đạn giờ đây đang được cất giấu tại một cơ sở quân sự gần duyên hải phía đông.

Ông Alexandria Mansourov là một chuyên gia về an ninh vùng Đông Bắc Á từng theo học tại Đại học Kim Il Sung ở Bắc Triều Tiên. Ông cho rằng Bắc Triều Tiên có thể nghĩ rằng việc thực hiện thêm những hành vi gây hấn sẽ làm cho Hoa Kỳ và Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cảm thấy ngần ngại và không muốn áp dụng thêm các biện pháp chế tài nghiêm khắc lên Bắc Triều Tiên, một quốc gia nghèo khó vốn đã bị cô lập khá nhiều với thế giới bên ngoài. Ông nhận định:

"Họ muốn làm cho thế giới sợ hãi tới mức mà sau vụ thử nghiệm phi đạn hoặc thử nghiệm hạt nhân, khi chúng ta quyết định triệu tập phiên họp và thông qua một đợt chế tài khác nữa, hoặc một đợt lên án khác nữa, thì chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại, chúng ta phải suy xét tới vấn đề là phải chăng chúng ta thật sự muốn cho sự leo thang tăng cao thêm một mức."

Các giới chức Nam Triều Tiên cùng với các nhà phân tích độc lập suy đoán là Bình Nhưỡng có thể thực hiện những vụ phóng phi đạn nhân dịp lễ ngày 15 tháng tư. Đó là lúc mà Bắc Triều Tiên mừng Ngày Mặt Trời để kỷ niệm ngày sinh của lãnh tụ quá cố của họ là ông Kim Il Sung tức Kim Nhật Thành.

Tại Khu Công nghiệp Kaesong, dự án chung duy nhất giữa hai miền Triều Tiên, các hoạt động đã tạm ngưng trong ngày hôm nay, là ngày lễ toàn quốc của Bắc Triều Tiên.

Trong hai ngày thứ tư và thứ năm vừa qua, Bắc Triều Tiên không cho xe tải chở hàng và công dân Nam Triều Tiên được vào khu công nghiệp này. Những chiếc xe và các viên quản đốc của nhiều công xưởng nhỏ chuyên sản xuất các mặt hàng gia dụng đã không được cấp phép để băng qua cửa khẩu.

Ông Ryoo Kihl Jae là Bộ trưởng Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên, phụ trách các mối liên hệ với miền Bắc. Ông phát biểu như sau khi được hỏi khi nào Nam Triều Tiên sẽ xét tới việc rút các viên chức chính phủ và các viên quản đốc ra khỏi khu phức hợp ở miền bắc.

Ông Ryoo Kihl Jae nói rằng chính phủ “sẵn sàng rút hết những người Nam Triều Tiên tại khu công nghiệp Kaesong nếu sự an toàn của họ đòi hỏi phải làm như vậy.” Tuy nhiên, ông nói thêm rằng sự đánh giá hiện thời là “tình hình không nguy hiểm cho lắm” đối với 608 công dân Nam Triều Tiên và 6 người Trung Quốc đang tự nguyện ở lại bên trong khu phức hợp ở miền bắc.

Khoảng 100 người Nam Triều Tiên dự định rời khỏi khu này để về nước vào ngày mai.

Bộ Thống nhất ở Seoul cho biết chính phủ đang chuẩn bị “để ứng phó với mọi tình huống” có thể phát sinh từ những mối đe dọa của Bắc Triều Tiên nhằm bảo đảm an toàn cho người dân Nam Triều Tiên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ryoo Kihl Jae không loại trừ khả năng cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên. Ông cho báo chí biết rằng Nam Triều Tiên “sẽ áp dụng một đường lối linh động và cùng với cộng đồng quốc tế cung cấp sự trợ giúp cho Bắc Triều Tiên” nếu Bình Nhưỡng chọn lựa con đường đúng đắn là thay đổi.

Hồi tháng trước Bắc Triều Tiên đơn phương tuyên bố rút khỏi Hiệp định ngưng bắn năm 1953 mà họ đã ký kết cùng với Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Liên hiệp quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo để chấm dứt cuộc chiến tranh kinh hoàng kéo dài 3 năm.

Sau tuyên bố vừa kể họ cũng tuyên bố tình trạng chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên và lập lại lời đe dọa sẽ dùng vũ khí hạt nhân để tấn công Hoa Kỳ và các căn cứ của Hoa Kỳ ở Thái bình dương.

Các giới chức ở Seoul và Washington nói rằng họ không nhận thấy dấu hiệu nào về việc động viên binh lính ở Bắc Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG