Dù càng ngày càng có nhiều chỉ dấu cho thấy một quả bom đã phá hủy một chiếc máy bay chở khách của Nga trên bầu trời Bán đảo Sinai trong tuần trước, người đứng đầu toán điều tra Ai Cập nói chưa có kết luận dứt khoát về việc này.
Một tiếng động không giải thích được trong những giây cuối cùng của băng ghi âm trong phòng lái của chiếc máy bay phản lực xấu số đã gây nên sự chú ý đến cao độ. Tuy nhiên trưởng toán điều tra Ai Cập, ông Ayman al-Muqaddam nói toán của ông không xác định được tiếng động này là tiếng nổ hay là một việc gì khác.
Ông Muqqadam nói tất cả những dữ liệu của chiếc máy bay phản lực Airbus bay từ Sharm El Sheikh thuộc bờ biển Hồng Hải đến St. Petersburg, Nga, chấm dứt 23 phút và 14 giây sau khi cất cánh, trong khi cơ chế lái tự động được thực hiện. Ông Muqqadam cho biết thêm là các mãnh vụn vương vãi trên mặt đất trong một khu vực rộng 13 kilômét, xác định là chiếc máy bay vỡ thành nhiều mảnh trên cao độ.
Ông Muqqadam nói “một cuộc phân tích quang phổ sẽ được những phòng thí nghiệm chuyên biệt thực hiện để xác định tính chất của tiếng động này.”
Tất cả 224 người trên chuyến máy bay thuê bao do công ty Metrojet của Nga điều hành đều thiệt mạng vào ngày thứ Bảy tuần trước. Hầu hết hành khách là du khách người Nga trở về nhà sau những ngày nghỉ trên bờ biển.
Ông Muqqadam nói các nhà điều tra đang nghiên cứu băng ghi âm của một trong những máy ghi dữ liệu phi hành của chiếc máy bay Airbus. Thêm vào đó nhà chức trách đang duyệt xét lại các video ghi hình tại sân bay Sharm El Sheikh, tìm xem bất cứ hành động nghi ngờ nào vào lúc máy bay cất cánh.
Các nguồn tin tình báo nước ngoài đầu tiên nêu lên giả thuyết là một quả bom phát nổ trên chiếc máy bay phản lực, căn cứ trên những lời trao đổi trên Internet của những phần tử khủng bố được biết đến một ít lâu sau khi máy bay rớt, và sau đó là những nguồn tin phát xuất từ cơ quan tình báo Mỹ cho biết có “sức nóng bộc phát” trong khu vực vào thời điểm chiếc máy bay vỡ tung được các vệ tinh bay trên quỹ đạo trái đất phát hiện.
Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đều nói là có khả năng đây là một vụ đánh bom của khủng bố. Tuy nhiên Nga và Ai Cập cho đến nay đã bác bỏ giả thuyết này.
Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo, trong quá khứ thề sẽ trả đủa Nga và Mỹ vì những cuộc không kích nhằm vào các phần tử hiếu chiến hoạt động tại Syria và Iraq, cho biết chịu trách nhiệm cho nổ tung chiếc máy bay, nhưng không đưa ra những chi tiết rõ rệt chứng tỏ việc này. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi bác bỏ tuyên bố của Nhà nước Hồi Giáo xem đây là việc tuyên truyền khoe khoang nhằm gây thiệt hại cho an ninh Ai Cập và và ngành du lịch, thiết yếu đối với nền kinh tế của nước này.
Báo cáo về rốckết
Ngày thứ Bảy Anh tiết lộ là một chiếc máy bay chở các du khách Anh đến Sharm El Sheikh vào ngày 23 tháng 8 năm nay bay gần một rốckết trong vòng 300 mét. Chính phủ Anh kết luận đây là một sự kiện không phải là một cuộc tấn công, và đường như việc này có liên hệ dến cuộc tập trận hàng năm của quân đội Ai Cập tại khu vực này.
Trong một diễn biến khác cũng vào ngày thứ Bảy, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry than phiền là Mỹ, Anh và các nước khác đã không chia sẻ thông tin tình báo với Ai Cập về vụ máy bay chở khách Metrojet của Nga bị rơi như Cairo mong đợi, và những thông tin cho thấy có thể có một vụ nổ bom trên máy bay “cho tới lúc này” vẫn chưa được cung cấp cho các cơ quan an ninh Ai Cập.
Nga ngưng các chuyến bay đến Ai Cập
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói giả thuyết đánh bom chỉ là suy đoán. Nhưng hôm thứ Sáu, ông ra lệnh tạm ngưng mọi chuyến bay thương mại của Nga tới Ai Cập, “cho tới khi chúng tôi xác định nguyên do thực sự” của vụ máy bay rơi.
Ông Putin cũng ra lệnh cho chính phủ lập kế hoạch chi tiết để đưa hàng chục ngàn du khách Nga ở Ai Cập về nước. Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich ngày thứ Bảy nói có đến 80.000 du khách Nga bị kẹt tại Ai Cập, đông gấp hai lần con số dự đoán trước đây.
Các hãng máy bay Anh và các nước châu Âu khác cũng ngưng các chuyến bay đến thành phố nghỉ mát và yêu cầu các du khách cảnh giác cao độ trong các chuyến đi đến Ai Cập, và Hoa Kỳ đang siết chặt các thủ tục an ninh tại một số phi trường nước ngoài có các chuyến bay đến Mỹ.