Hôm qua, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam vừa tường thuật rộng rãi về cuộc họp trực tuyến giữa ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Việt Nam với lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, lãnh đạo 26 huyện, thị xã và lãnh đạo 317 phường, xã, thị trấn của hai tỉnh này. Sở dĩ có cuộc họp vừa kể là vì tình hình dịch bệnh ở Tiền Giang và Kiên Giang được cho là đang diễn biến rất phức tạp.
Cuộc họp vừa được phát trên sóng truyền hình, vừa được các cơ quan truyền thông chính thức lược thuật – loan báo rộng rãi đó cho thấy, lãnh đạo nhiều cấp ở hai tỉnh vừa kể “ù ù, cạc cạc” cả về thực trạng dịch bệnh lẫn giải pháp phòng ngừa tại khu vực thuộc phạm vi trách nhiệm của họ. Đó cũng là lý do ông Phạm Minh Chính công khai phê phán thuộc cấp... lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo (1)...
Trước giờ, tại Việt Nam, giới thiệu rộng rãi những cuộc họp có tính chất nội bộ nhằm phơi bày cả tình trạng vô trách nhiệm lẫn khả năng quản trị, điều hành kém cỏi của các viên chức hữu trách là chuyện thuộc loại... cấm kỵ. Lần này, cho dù điều đó có thể khiến công chúng ngán ngẩm cả về tâm lẫn tầm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ cấp tỉnh trở xuống nhưng lại tạo ra một yếu tố hết sức tích cực...
Đó là khiến công chúng “tận mục sở thị”, rõ ràng, Thủ tướng hơn hẳn thuộc cấp cả về ý thức trách nhiệm lẫn khả năng quản trị, điều hành. Thủ tướng rất... sốt ruột, rất... quyết liệt và nếu hậu quả dịch bệnh, kinh tế, dân sinh càng ngày càng tồi tệ hơn thì đó chỉ do hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở tỉnh – thành phố, ở quận – huyện – thị xã, ở phường – xã – thị trấn... tệ quá!
***
Cũng hôm qua, một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đã đào sâu hơn về chuyện dân chúng Việt Nam tham gia... vượt biên. Vào thời điểm này, “biên” để dân chúng tính toán, nỗ lực vượt thoát không phải là biên giới phân định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam mà là... “biên” của các địa phương được xác định là vùng có dịch và vượt... “biên” chỉ nhằm trở về nhà... bất hợp pháp!
Theo tờ Tuổi Trẻ thì không chỉ có 15 người trốn trong thùng xe vận tải chuyên vận chuyển hàng cần đông lạnh để vượt... “biên” rồi bị cảnh sát Bình Thuận phát giác đêm 12 tháng 9 mà hiện có rất nhiều... “đường dây” đưa người Việt vượt... “biên” của các thành phố, các tỉnh. Vượt... “biên” để về nhà gian nan chẳng thua gì vượt biên để xuất ngoại. Hành trình phải qua nhiều chặng, dùng cả xe đò, xe vận tải lẫn đi bộ (2)!
Đến lúc này thì ai cũng hiểu tại sao người Việt Nam vượt... “biên”! Từ chiến lược cho đến các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng trong thời gian vừa qua chính là động cơ thúc đẩy vượt... “biên”. Nếu có chỗ ẩn thân, không đói khát, không sợ bị bỏ rơi khi bị nhiễm COVID-19 và còn tin vào tương lai, người Việt đã không vượt... “biên” như thế!
***
Nếu xem kỹ hoặc đọc kỹ tường thuật về cuộc họp trực tuyến giữa ông Phạm Minh Chính với lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, lãnh đạo 26 huyện, thị xã và lãnh đạo 317 phường, xã, thị trấn của hai tỉnh này, ai cũng có thể thấy, sở dĩ Thủ tướng Việt Nam tỏ ra rất sốt ruột và phê phán các viên chức hữu trách... yếu kém, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo vì...
Tốc độ xét nghiệm còn chậm hơn tốc độ lây nhiễm, một số nơi lỏng lẻo trong quản lý người về từ vùng dịch. Nhiều nơi chưa triển khai trạm y tế lưu động xuống xã phường, gây quá tải lên tuyến trên, gây ra tử vong. Các mục tiêu, biện pháp trong báo cáo thì chung chung, không rõ ràng. Ví dụ, đặt ra mục tiêu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thì kéo dài giãn cách đến bao giờ? Không thấy đưa ra thời điểm cụ thể trong báo cáo!
Tiếc là không có ai hỏi ngược lại ông Chính: Vì sao TP.HCM tổ chức xét nghiệm tràn lan, thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, gom cả F0 lẫn F1 vào các khu tập trung như chỉ đạo của ông mà không ngăn được tốc độ lây nhiễm? Vì sao chính quyền các tỉnh phải có mục tiêu, biện pháp cụ thể, rõ ràng về phòng ngừa lây nhiễm, giãn cách xã hội mà đến giờ chiến lược, biện pháp phòng chống dịch của chính phủ do ông điều hành vẫn chung chung như thế?
Đáng ngạc nhiên là một số người chê trách hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hai tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang “ù ù, cạc cạc”, phẫn nộ khi chính quyền nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM,... xem công dân như súc vật, tùy tiện khóa cổng ra vào các ngõ (3), dùng tôn dựng các bức vách bít kín nhiều hẻm (4) nhưng lại... hoan hô Thủ tướng trong khi thực trạng đó chính là hậu quả từ... sự sốt ruột và quyết liệt của... Thủ tướng!
***
Hôm qua, RFI vừa giới thiệu cuộc trò chuyện giữa đài này với bác sĩ Phan Xuân Trung (người sáng lập nhóm “Giúp nhau mùa dịch” với sự tham gia của 50.000 thành viên là những nhân viên y tế tình nguyện hỗ trợ miễn phí những người bị nhiễm COVID 19 tại TP.HCM, hoạt động từ tháng 6 đến nay), đề nghị ông giải thích tại sao đa số người tử nạn vì COVID-19 ở TP.HCM chết ngay ở “tầng đầu” của tháp điều trị (5).
Theo bác sĩ Trung đó là hệ quả của sự “đổ vỡ toàn diện”: Tài nguyên y tế ở Việt Nam vốn khiếm hụt trầm trọng (hai, ba người phải nằm một giường, có nơi bệnh nhân phải nằm dước đất). Khi phải đối phó với dịch lại thiếu tổ chức, thiếu chuẩn bị về mọi mặt. Lúc dịch vừa chớm, vì chủ trương “cách ly F0”, Bộ Y tế cấm bán những loại dược phẩm hạ sốt, chống ho, dân chúng thiếu cơ hội chuẩn bị để tự phòng vệ. Chưa kể không nơi nào hướng dẫn khi nhiễm COVID-19 thì nên tự chăm sóc thế nào, kêu ai, sẽ được tiếp nhận và điều trị ra sao. Thay vì hỗ trợ bệnh nhân tự chăm sóc, các cơ sở y tế lại ngần ngại vì sẽ bị đóng cửa nếu dính líu đến F0, nhân viên y tế bị điều động tham gia xét nghiệm...
Lúc nhu cầu nhập viện tăng lên thì xe cấp cứu thiếu, những phương tiện hỗ trợ vận chuyển khác như taxi bị cấm, vận chuyển còn gặp trở ngại do hàng rào, chốt chặn,... thành ra khi người bị nhiễm COVID-19 vào được bệnh viện thì họ đã kiệt sức. Chưa kể giai đoạn đầu, bệnh viện chỉ tiếp nhận bệnh nhân để giúp thở oxy, không có hướng dẫn, bác sĩ loay hoay thử phác đồ điều trị...
Rồi việc tập trung, buộc cả F1 cách ly đã làm tăng số người bị lây nhiễm. Khi chấp nhận để F0 điều trị tại nhà thì lại không chú ý đủ đến môi trường sống của người nghèo. Lẽ ra, thay vì “bóc tách F0” thì nên chú ý hỗ trợ giãn cách ngay từ đầu, đặc biệt là với những người già yếu, có sẵn bệnh nền thuộc nhóm nguy cơ cao. Cách ly, giãn cách nhằm chống lây. Nếu bị lây thì chữa trị nhưng không thể quên giá phải trả cho các giải pháp...
Bác sĩ Trung nhấn mạnh, trong quản trị, điều hành tại Việt Nam, dưới phải phục tùng trên, thấy sai cũng không dám nói nên hậu quả càng trầm trọng hơn, nếu tỉ lệ tử vong ở TP.HCM cao hơn mức trung bình thì đó là do cách điều hành, cách quản lý của nhà nước... Trước và trong đại dịch, không chỉ có bác sĩ Trung cảnh báo, khuyến cáo nhưng cứ ngẫm mà xem Thủ tướng có bận tâm không? Chỉ đạo, yêu cầu của Thủ tướng có quan hệ nhân – quả với việc người Việt bị đẩy đến chỗ phải vượt... “biên” về nhà!
Chú thích