Đường dẫn truy cập

Thượng đỉnh Trump-Kim: Tại sao Trump chọn Việt Nam?


Tàu sây bay USS Carl Vinson thăm cảng Đà Nẳng ngày 5/3/2018.
Tàu sây bay USS Carl Vinson thăm cảng Đà Nẳng ngày 5/3/2018.

Tổng thống Donald Trump loan báo Việt Nam là nước tổ chức họp thượng đỉnh lần thứ hai của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, một động thái mà một số nhà bình luận xem như nỗ lực của Hà Nội để tự chống đỡ trước sự xâm lược của cường quốc Trung Quốc, theo bài phân tích trên ABC Australia đăng ngày 7/2.

Mục đích của Washington trong cuộc họp Trump-Kim cuối tháng này là để Triều Tiên đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân của họ, nhưng Bình Nhưỡng muốn toàn thể bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, kể cả kho vũ khí của Mỹ tại Hàn Quốc.

Quyết định họp thượng đỉnh tại Việt Nam, một quốc gia dưới sự cai trị của đảng Cộng sản và một nền kinh tế thị trường tự do cùng tồn tại, có tiềm năng biểu tượng.

“Việt Nam nằm trong thế thù địch gay cấn với Trung Quốc tại Biển Đông, do đó Hà Nội đang tìm sự hỗ trợ ngoại giao trong vùng và trên trường quốc tế để làm rào cản ngăn chặn Bắc Kinh,” ông Murray Hiebert thuộc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington được ABC Australia dẫn lời.

Hà Nội có lịch sử với Washington lẫn Bình Nhưỡng.

Là một quốc gia cộng sản theo chế độ độc đảng, Việt Nam tự hào về việc kiểm soát chính trị chặt chẽ và một bộ máy an ninh hữu hiệu. Việt Nam cũng đã tổ chức tổ chức thành công Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại thành phố biển Đà Nẵng và Diễn đàn Kinh tế Thế giới của khu vực vào năm ngoái tại thủ đô Hà Nội.

“Như Singapore nơi hai nhà lãnh đạo gặp nhau trước đây, Việt Nam là một nơi rất an ninh,” ông Hiebert nói.

“Công an Việt Nam có thể đẩy lùi những đám đông tò mò và giữ các nhà báo tại những khu vực được chỉ định,” ông Hiebert nói thêm.

Việc ông Trump tham dự hội nghị APEC năm 2017 có nghĩa là “ông quen thuộc với nước này và có quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo,” vẫn theo phân tích của ông Hiebert.

Ông Kim cũng tương tự như vậy.

Dù Triều Tiên có lịch sử khác biệt, nhưng hai quốc gia cộng sản này cùng chia sẻ lịch sử chống đế quốc và những quan hệ nước đôi đối với Trung Quốc.

“Việt Nam và Triều Tiên có các quan hệ cộng sản anh em lâu dài, do đó Triều Tiên quen thuộc với quốc gia cũng như các quan chức của nước này,” ông Hiebert nói.

“Triều Tiên cũng cảm thấy tin tưởng là bộ máy an ninh của Việt Nam có thể bảo vệ an toàn ông Kim.”

Việt Nam là trường hợp điển hình của kẻ thù trở thành đồng minh.

Việt Nam đưa ra cho các nhà thương thuyết thượng đỉnh Mỹ một trường hợp điển hình là làm thế nào một cựu thù cộng sản trở thành một đối tác thương mại và an ninh.

Trong một bài diễn văn đọc trước cộng đồng doanh nhân tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói ông Trump tin là Bình Nhưỡng có thể “rập khuôn” con đường của Việt Nam.

“Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức được rằng nước họ có thể cải cách, có thể mở cửa và xây dựng các quan hệ mà chủ quyền, nền độc lập và hình thức chính phủ không bị đe dọa,” ông nói.

“Tôi có một thông điệp cho Chủ tịch Kim Jong Un: Tổng thống Trump tin là nước của quý vị có thể rập khuôn con đường này. Mọi chuyện thuộc về quý vị nếu quý vị nắm bắt thời điểm này.”

Bằng cách giúp Washington đạt được những mục tiêu của chính sách Triều Tiên, Việt Nam có thể hoàn tất mong muốn có những quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ về các mặt khuyến khích thương mại và đầu tư và sử dụng như một đối trọng chiến lược đối với Trung Quốc.

“Quốc gia này có thể thu hút sự chú ý đáng kể của quốc tế, đặc biệt là du khách và các nhà đầu tư qua việc truyền thông tường thuật cuộc họp thượng đỉnh,” ông Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore nói.

“Đây cũng là một cơ hội cho Việt Nam chứng tỏ chính sách ngoại giao tích cực, qua đó Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng quốc tế, cũng như hòa bình và an ninh trong vùng,” chuyên gia này nói.

(Theo ABC/AP)

VOA Express

XS
SM
MD
LG