Đường dẫn truy cập

Thượng đỉnh Nga-Nhật ký hợp đồng kinh tế, nhưng không ký hòa ước


Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự cuộc họp thượng đỉnh tại Tokyo, Nhật Bản, 16/12/2016.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự cuộc họp thượng đỉnh tại Tokyo, Nhật Bản, 16/12/2016.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin kết thúc hai ngày hội đàm không có đột phá nào đáng kể về bất đồng lớn nhất giữa hai nước, đó là vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã có từ Thế chiến thứ II.

Hai nhà lãnh đạo hôm thứ Sáu đã họp tại Tokyo sau những cuộc hội đàm ngày hôm trước ở khu du lịch suối nước nóng ở miền tây nam của Nhật.

Tại thủ đô Tokyo, cảnh sát đã ngăn không cho những người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc đến gần địa điểm cuộc họp thượng đỉnh. Những người biểu tình đòi Nga trả lại quần đảo mà người Nga gọi là Kuril ở tây Thái Bình Dương mà quân đội Liên Xô chiếm vào cuối Thế chiến thứ II và đuổi khoảng 17.000 cư dân Nhật ra khỏi các hải đảo mà người Nhật gọi là quần đảo Chishima.

Nga và Nhật Bản không ký hòa ước sau chiến tranh bởi vì tranh chấp về chủ quyền của quần đảo đó chưa giải quyết được.

Đầu tư cho hòa bình

Tại Tokyo, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tiềm năng của hòa ước và hai bên nhất trí rằng tăng cường hợp tác kinh tế sẽ giúp mở ra những điều kiện để tiến đến một thỏa thuận trong tương lai về nhóm hải đảo này.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp thượng đỉnh, Thủ tướng Abe nói rằng “không có sự tin tưởng lẫn nhau thì không thể đạt được mục tiêu.”

Trong tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo hôm thứ Sáu đã ký 68 thỏa thuận hợp tác, trong đó có nhiều hợp đồng phát triển năng lượng.

Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) ký một biên bản ghi nhớ thành lập một quỹ đầu tư 1 tỉ đôla để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Công ty năng lượng Novatek của Nga công bố các thỏa thuận ký với công ty Mitsubishi và Marubeni của Nhật về một dự án khí hóa lỏng ở Bắc Cực.

Ông Grant Nesham, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Diễn đàn Chiến lược của Nhật Bản ở Tokyo nói rằng nước Nhật lâu nay luôn cố dùng hứa hẹn đầu tư kinh tế lớn vào Nga để đổi lại việc trao trả chủ quyền các hải đảo đó lại cho Nhật, nhưng Moscow không sẵn lòng nhượng bộ:

"Luôn luôn có trở ngại trong việc trao trả lãnh thổ có tầm quan trọng chiến lược từ góc nhìn chiến lược về địa lý của an ninh quốc phòng Nga. Đồng thời, sự thật đơn giản là những hải đảo này Nga đã chiếm được sau một cuộc chiến tranh mà người Nga đã đổ rất nhiều xương máu."

Quần đảo Kuril nằm gần các thủy lộ chính nối Nga với Thái Bình Dương, ở trong khu vực biển có nguồn thủy sản và có lẽ cả trữ lượng dầu khí dồi dào.

Tổng thống Putin nói rằng Nga có thể sẽ nới lỏng các quy định để cho người Nhật đến thăm quần đảo Kuril.

Một cố vấn kinh tế của Điện Kremlin hôm thứ Năm nói rằng hai bên sẽ ra một tuyên bố về tiềm năng hợp tác kinh tế trên các hải đảo đang tranh chấp này tại cuộc họp thượng đỉnh, và bất cứ hoạt động nào trên các đảo này cũng phải tuân thủ luật lệ của Nga.

Giá trị quân sự

Năm ngoái Nga loan báo kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự tại quần đảo Kuril, cùng với 4 căn cứ khác ở Bắc Cực trong khuôn khổ của kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực mà Tổng thống Vladimir Putin vạch ra.

Tokyo đã bày tỏ lo ngại về việc Nga quân sự hóa lãnh thổ tranh chấp này.

Hôm thứ Năm, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nối lại cuộc đối thoại an ninh.

Các cuộc đối thoại cấp bộ về an ninh đã bị đình hoãn sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014, và Hoa Kỳ cùng với các nước thuộc nhóm G7 đã chế tài Nga.

Tin nói Nga đã chi tiêu hơn 600 tỉ đôla trong thập niên qua để hiện đại hóa quân đội, trong đó có chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới, chiến đấu cơ và máy bay trực thăng.

Trung Quốc

Việc Nga và Nhật Bản thắt chặt các mối quan hệ có thể ảnh hưởng đến quan hệ của Bắc Kinh với Moscow.

Kể từ năm 2012, Trung Quốc và Nga đã 5 lần diễn tập quân sự chung với nhau, trong đó có một cuộc thao dượt hải quân ở Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông, hồi tháng 9, trong khu vực mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước láng giềng.

Tokyo và Bắc Kinh cũng tranh chấp chủ quyền các hải đảo ở Biển Ðông Trung Hoa. Hai nước tố cáo nhau về những hành động quân sự gây hấn, trong đó có những vụ chiến đấu cơ hai bên đối đầu nhau trong không phận Thái Bình Dương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG