Đợt leo thang mới nhất trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là một “tin tốt lành” đối với Việt Nam và một số nước hưởng lợi từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực lên Bắc Kinh bằng một loạt thuế mới.
Bắt đầu từ rạng sáng ngày 10/5, Mỹ đã tăng thuế từ 10% đến 25% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
Ngay sau đó, Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng mức thuế nhập khẩu từ 5% đến 25% đối với hàng hóa của Mỹ trị giá 60 tỷ USD. Theo thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc đưa ra hôm 13/5, Trung Quốc sẽ áp dụng thuế này đối với tổng số 5.140 sản phẩm của Mỹ kể từ ngày 1/6 năm nay.
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, Việt Nam được nhận định là nằm trong số những nước có thể hưởng lợi trong các lĩnh vực như sản xuất và nông nghiệp, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và truyền thông quốc tế.
“Cho tới nay, các loại thuế mà Mỹ đưa ra chủ yếu đánh vào các lĩnh vực cấp thấp và cần nhiều lao động,” Rob Koepp, giám đốc phụ trách Hong Kong của The Economist Corporate Network, nói với South China Morning Post (SCMP).
Theo ông Koepp, những nền kinh tế có vị trí tốt bên lề như Việt Nam sẽ có cơ hội nhảy vào và cung cấp những loại hàng hóa tránh được các loại thuế quan đang gia tăng.
Nhận định với VOA hôm 13/5, Tiến sỹ kinh tế Phạm Đỗ Chí cho rằng sự leo thang mới nhất là một tin “tốt lành” cho Việt Nam vì quốc gia Đông Nam Á này sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại.
“Đây là một điều vô cùng tốt cho Việt Nam. Đây là một cơ hội để công nghệ hóa vô cùng hiếm có ‘trên trời rơi xuống’ đối với Việt Nam,” theo TS Chí, người đã tới Việt Nam ba lần trong 6 tháng qua cùng với các công ty Mỹ để xem xét cơ hội đầu tư tại TP HCM.
Giải thích về nhận định của mình, vị tiến sỹ từng làm việc cho VinaCapital nói rằng Việt Nam có nhân công rẻ và họ thông thạo tiếng Anh. Một yếu tố khác mà TS Chí nêu ra là môi trường sống, văn hóa và thái độ cởi mở của người Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc yêu thích. Ông Chí cho biết nhận định của ông được tích lũy từ những quan sát và các cuộc khảo sát không chính thức của ông tại Việt Nam.
Các công ty quốc tế lớn như Intel, Samsung, Adidas hay Nike đã chọn sản xuất các sản phẩm của họ ở Việt Nam. Cứ 10 điện thoại thông minh trên thế giới thì có một chiếc được sản xuất ở Việt Nam. Và cuộc xung đột về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy các công ty ra khỏi Trung Quốc và hướng về Việt Nam, theo Forbes.
Tổng thống Trump hôm 13/5 cho biết trong một dòng tweet rằng “nhiều công ty bị đánh thuế sẽ rời bỏ Trung Quốc tới Việt Nam và những quốc gia tương tự ở châu Á.”
Sự tương đồng của Việt Nam với Trung Quốc – gồm lực lượng lao động có kỹ thuật ngày càng tăng, giá thành lao động cạnh tranh và sự ổn định về kinh tế, là những yếu tố khiến Việt Nam trở thành đích đến lý tưởng cho các nhà máy sản xuất, theo nhận định của các nhà phân tích.
Một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ ở Quảng Đông cho thấy các công ty của Trung Quốc đang mất dần thị trường, đặc biệt về tay các công ty Việt Nam.
Nikkei Asian Review đưa ra một ví dụ để minh chứng cho kết quả cuộc khảo sát trên khi cho biết nhà sản xuất polyester Shejiang Hailide New Material đang đầu tư 155 triệu USD vào một nhà máy ở Việt Nam với mục tiêu xuất khẩu sang Mỹ.
Sự bùng nổ công nghệ cao của Việt Nam trong những năm gần đây cũng tạo đà cho quốc gia Đông Nam Á bắt đầu sản xuất các sản phẩm ở mức cao hơn. Đây được xem là xu hướng chuyển dần sang Việt Nam gần đây của các nhà máy sản xuất hàng điện tử.
Gần đây nhất công ty Goertek của Trung Quốc chuyên lắp ráp Airpod – tai nghe không dây của Apple, đã khẳng định kế hoạch chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Nói với CNBC, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Singapore, Richard Jerram, nhận định rằng Việt Nam rõ ràng là “người chiến thắng” trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) của Việt Nam đạt 19 tỷ USD trong năm ngoái, theo Andy Ho, trưởng phòng đầu tư của Quỹ VinaCapital Vietnam Opputunity Fund.
TS Chí nhận định rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ là hiện tượng lâu dài. Đầu tháng này, ông Trump còn dọa sẽ đánh thuế thêm lên 325 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc vốn cho đến nay còn nằm ngoài danh mục bị ảnh hưởng.
Nhưng để tận dụng tốt nhất cơ hội này, TS Chí – người có 27 năm làm việc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, mặc dù Việt Nam “biết cách đón chờ gió” (đón đầu cơ hội), nhưng còn có những lĩnh vực Việt Nam phải cải thiện.
“Vấn đề bây giờ là phải giải quyết ‘red tape’ – tức các luật lệ ngăn cản đầu tư. Thứ 2 là tăng cường thêm chuỗi cung ứng toàn cầu trong nước. Và thứ 3 là phải tăng cường công nghệ phụ trợ.”
Nếu các lãnh đạo ở Hà Nội thực hiện được những thay đổi trên và biết tận dụng cơ hội, theo TS Chí, Việt Nam sẽ dễ dàng đạt được tốc độ tăng trưởng 10% trong vòng 3-5 năm nữa cũng như đạt được tham vọng trở thành xưởng sản xuất của thế giới thay thế Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam trong những năm qua đã chuyển mình một cách chiến lược thành một lựa chọn thay thế Trung Quốc, hay “Trung Quốc + 1”, bằng cách tham gia vào nhiều hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) trong khi phát triển cơ sở hạ tầng để trở thành một nguồn xuất khẩu toàn cầu.