Các kế hoạch của Trung Quốc đầu tư hạ tầng cơ sở và năng lượng với kinh phí dự trù lên tới 46 tỷ đôla ở Pakistan nhắm mục tiêu biến quốc gia chủ yếu đã không bắt kịp đà tăng trưởng kinh tế mau chóng ở châu Á thành một trung tâm thương mại và đầu tư. Thông tín viên VOA Bill Ide tại Bắc Kinh ghi nhận về các rủi ro cho cả các dự án đầu tư to lớn, lẫn cho các công ty chịu trách nhiệm thực thi các dự án này.
Nền kinh tế Trung quốc đang chậm lại và trong khi đó, thì nước này phải vét túi để bành trướng các mối liên hệ thương mại với phần còn lại của thế giới.
Hồi đầu tháng này, Bắc Kinh đã phát động một ngân hàng hạ tầng cơ sở 100 tỷ đôla, thu hút sự hỗ trợ của khoảng 56 quốc gia khác. Trung Quốc cũng quyết liệt quảng bá một dự án gọi là “Vành đai và con đường” nhắm thúc đẩy thương mại qua châu Phi, Trung Đông, Trung Á và châu Âu. Kế hoạch sẽ giúp xây dựng các cơ sở hạ tầng như hải cảng, đường bộ và đường hỏa xa xuyên qua hàng chục nước trong nỗ lực thúc đẩy các nền kinh tế địa phương cũng như của chính Trung Quốc.
Trong chuyến công du Pakistan của chủ tịch Tập Cận Bình tuần này, hai nước đã loan báo một dự án xây đập ở miền bắc Pakistan sẽ là dự án đầu tiên nhận tiền từ quỹ đầu tư trong nỗ lực phát triển.
Bắc Kinh đã tăng cường ngoại viện và đầu tư ở nước ngoài trong thập niên vừa qua. Nhưng điều đang xảy ra bây giờ là một khúc quanh trong cách thức Trung Quốc sẽ giao tiếp với thế giới và châu Á, theo ông Scott Kennedy, giám đốc dự án về Kinh tế Chính trị và Kinh Doanh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược CSIS nói:
“Chúng ta sẽ thấy các con số tăng đáng kể trong vài năm tới đây và cách thức sự giao tiếp diễn ra.”
Trong khi các con số tăng lên, một rủi ro lớn mà Trung Quốc phải đối mặt, theo các chuyên gia, là theo dõi tất cả khoản tiền đó. Và đấy sẽ là một thách thức lớn cho cả hai nước, vốn có thành tích kém về mặt tham nhũng.
Giảng viên kỳ cựu tại Diễn đàn Đối thoại Shangi-la Alexander Neill nói với quá nhiều thứ phụ thuộc vào kế hoạch, Bắc Kinh sẽ xem xét rất kỹ cả các công ty Trung Quốc lẫn các đối tác phía Pakistan để bảo đảm là tiền được chi tiêu đúng chỗ:
“Rõ ràng nhà nước Trung Quốc sẽ theo dõi việc chi dùng vào các dự án này rất sát. Không phải chỉ dưới ánh sáng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, mà cả bởi vì họ muốn thấy các liên doanh này hoặc bất cứ những gì họ làm ở nước ngoài đều phải theo rất sát với kế hoạch.”
Phần lớn công cuộc đầu tư ồ ạt cho “Vành đai và Con đường” cùng các khoản tiền ở Pakistan đều được nhiều người trông đợi là sẽ đi vào các hợp đồng với những cơ sở kinh doanh Trung Quốc, mà phần lớn đều thiếu kinh nghiệm ở những nơi như Pakistan.
Ông Scott Kennedy nói phải trông đợi là một số cuộc đầu tư này có thể thất bại:
“Lúc nào thì trông cũng rất tốt trên các thông cáo báo chí và lễ khai mạc, nhưng việc hoàn thành đến lúc chót thường luôn khó khăn hơn nhiều.”
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã cấp nhiều tỷ đôla viện trợ phát triển nước ngoài cho Pakistan, nhưng các cuộc nghiên cứu cho thấy các giới chức thấy việc giải ngân một cách có trách nhiệm các khoản đó là một thách thức đáng kể. Các vấn đề về an ninh, tham nhũng, khả năng hạn hẹp của các đối tác địa phương và thiên tai tất cả đều gây khó khăn cho việc chi tiền theo đúng kế hoạch.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nêu ra rằng viện trợ phát triển của họ, khác với Hoa Kỳ, không “kèm theo những ràng buộc chính trị,” có nghĩa là sẽ có nhiều phần chắc là có ít luật lệ hơn về việc ai sẽ hợp tác với họ và cách thức chi dùng các ngân khoản.
Một số công ty Trung Quốc đã gầy dựng được kinh nghiệm thông qua công tác ở Afghanistan, bằng cách đưa an ninh riêng của mình vào. Bắc Kinh cũng đã mở các cuộc đàm phán với phe Taliban trong khi dò dẫm bầu không khí an ninh tế nhi ở đó.
Ông Alexander Neill nói điều này tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công ty Trung Quốc làm ăn ở Pakistan, nhưng không hẳn là gỡ bỏ được tất cả những rủi ro:
“Không có nghĩa là các quyền lợi của Trung Quốc ở Pakistan không dễ bị tổn thương. Đã có nhiều vụ việc những người mang quốc tịch Trung Quốc bị bắt cóc và hành quyết. Cũng đã có những vụ tấn công ở Baluchistan nữa.”
Ông Tom Miller, một chuyên gia phân tích kỳ cựu của Gavekal Dragonomics, cho biết một cá nhân thân cận với chủ tịch Tập Cận Bình nói với ông rằng Trung Quốc biết rõ về những rủi ro và nhìn thấy việc giao tiếp với họ là một phần cấp thiết trong kế hoạch phát triển to lớn của họ.”:
“Điều ông ấy nói với tôi là, phải, sẽ có những rủi ro to lớn ở đó, nhưng Trung Quốc phải đi đến những nơi như Pakistan nếu thực sự muốn vùng này trở thành sân sau nhà mình. Như ông ấy nói, nếu ta có một sân sau, thì ta cần phải dọn sạch các góc.”
Điều cần phải chờ xem là mức độ trơn tru trong nỗ lực đó.
Đa số các chuyên gia phân tích đồng ý rằng còn quá sớm để dự báo hình thức tác động nào các dự án sẽ có ở Pakistan hay ở những nơi khác. Họ cũng nói vẫn còn quá sớm để nói liệu Bắc Kinh có đạt được thành quả trong việc đưa các nước xung quanh đi vào quỹ đạo kinh tế của họ một cách chặt chẽ hơn, hay là tạo ra một tác động ngược lại.