Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Việt Nam kêu gọi lãnh đạo G20 ‘chia sẻ’ trách nhiệm trước đại dịch


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 trực tuyến từ Hà Nội hôm 21 tháng 11 với tư cách khách mời, kêu gọi lãnh đạo khối các nền kinh tế lớn nhất thế giới hợp tác trong ứng phó với đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 trực tuyến từ Hà Nội hôm 21 tháng 11 với tư cách khách mời, kêu gọi lãnh đạo khối các nền kinh tế lớn nhất thế giới hợp tác trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các quốc gia trong khối G20 cùng hợp tác ứng phó với đại dịch và chia sẻ vaccine chống COVID-19 để “không một quốc gia hay người dân nào bị bỏ lại phía sau.”

Tham gia thảo luận trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, trong đó Việt Nam là một trong 7 khách mời tại diễn đàn năm nay, Thủ tướng Phúc nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp chính sách toàn cầu, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác đa phương để đẩy lùi dịch COVID-19, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Phát biểu khai mạch hội nghị có nguyên thủ của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Quốc vương Ả Rập Saudi đồng thời là chủ tịch hội nghị G20 năm nay, cho rằng đại dịch COVID-19 là “cú sốc chưa từng có” và mặc dù rất lạc quan về những tiến triển trong việc phát triển vaccine, thuốc đặc trị và các công cụ chẩn bệnh, G20 vẫn phải nỗ lực để tạo điều kiện cung cấp vaccine một cách bình đẳng và công bằng cho mọi người.

Tổng thống Trump, người được dự đoán thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầu tháng này, đã bỏ không tham dự phiên thảo luận của hội nghị trực tuyến, trong đó tập trung vào sự phối hợp ứng phó với đại dịch virus corona và nâng cao sự ứng phó đại dịch toàn cầu, hiện đã làm hơn 1,3 triệu người thiệt mạng. Theo New York Times, các lãnh đạo thế giới tại hội nghị G20 lần này đã cam kết được một số nỗ lực trong việc đối phó với đại dịch virus corona nhưng hội nghị cũng cho thấy sự khó khăn trong việc tiến hành nghị trình khi không có sự quan tâm của Mỹ.

Đại dịch COVID-19, bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, đã gây nên làn sóng tranh cãi và chỉ trích giữa các quốc gia trên thế giới đối với Bắc Kinh khi Mỹ và nhiều nước châu Âu cáo buộc quốc gia cộng sản châu Á không minh bạch về sự nguy hiểm của dịch bệnh làm lây lan ra toàn cầu hồi đầu năm nay. Tổng thống Trump từng gọi virus corona là “virus Trung Quốc.”

Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thủ tướng Việt Nam nhận định đại dịch COVID-19 đã “kéo dài đẩy lùi thành quả phát triển của thế giới hàng thập kỷ” và càng làm cho tình trạng đói nghèo cũng như anh ninh lương thực và nguồn nước trở thành những thách thức toàn cầu “mà không riêng một quốc gia nào có thể xử lý được.”

Các lãnh đạo của các quốc gia giàu nhất thế giới thúc giục cho sự bình đẳng trong cuộc đua tìm ra vaccine chống virus trong khi Tổng thống Trump im lặng về việc chia sẻ các vaccine mà Mỹ đang sản xuất với các quốc gia khác, theo AP. Hiện hai công ty dược của Mỹ, Pfizer và Moderna đã hoàn thành thử nghiệm vaccine và dự kiến sẽ phân phối tới người dân Mỹ trong những tháng tới.

Hãng dược của Anh AstraZeneca hôm 23/11 cho biết vaccine COVID-19 của họ có thể hiệu quả 90% và theo Reuters, 700 triệu liều có thể sẵn sàng trên toàn cầu sớm nhất là vào cuối quý đầu năm sau.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam được Tạp chí Tài chính trích lời kêu gọi “các quốc gia cần đoàn kết, xây dựng lòng tin, thực tâm hợp tác và chia sẻ trách nhiệm chung hướng tới phát triển bền vững” và “không để một quốc gia hay người dân nào bị bỏ lại phía sau.”

Ông Phúc nói cần có cách tiếp cận bình đẳng và chi phí phù hợp với vaccine và thuốc đặc trị COVID-19, theo đó đề nghị các nước G20 xây dựng thoả thuận sản xuất vaccine với các đối tác trên toàn cầu thông qua chuyển giao công nghệ, qua đó đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vaccine ở quy mô lớn.

Thủ tướng Phúc hồi tháng 5 khi phát biểu trực tuyến tại Khoá họp thứ 73 của Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới cũng lên tiếng kêu gọi các nước trên thế giới tăng cường đoàn kết để ứng phó với đại dịch.

Theo TTXVN, việc Thủ tướng Phúc tham dự và phát biểu tại Hội nghị G20 trực tuyến lần này đã “khẳng định đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 vào các vấn đề toàn cầu.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG