Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 12/11 phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị ASEAN khẳng định khối này cam kết xây dựng Biển Đông trở thành “vùng biển hòa bình và ổn định” mặc dù đối mặt với “cách hành xử khó đoán định của các quốc gia” và sự “cọ xát giữa các nước lớn.” Dự kiến trong kỳ hội nghị này, Việt Nam sẽ ký kết một hiệp định thương mại tự do do Trung Quốc khởi xướng.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu:
“Tôi hoan nghênh Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhân kỷ niệm 53 năm thành lập Hiệp hội, đã khẳng định quyết tâm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, an ninh, ổn định và trung lập.
“ASEAN cũng đã thể hiện nhất quán lập trường nguyên tắc và cam kết mạnh mẽ xây dựng Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và toàn cầu, trở thành vùng biển hòa bình và ổn định, an ninh và an toàn cho tự do lưu chuyển hàng hóa, nơi mà khác biệt, tranh chấp được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, nơi pháp luật được tôn trọng.”
Đài truyền hình VTC dẫn lời Thủ tướng Phúc nói qua hội nghị trực tuyến:
“Năm qua, hòa bình, ổn định càng trở nên mong manh bởi các nguy cơ chất chồng đến từ hành xử khó đoán định của các quốc gia, cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn, hệ thống đa phương quốc tế chịu nhiều thách thức, các vấn đề an ninh phi truyền thống, các xu thế cực đoan ngày càng trở nên gay gắt.”
Ông Phúc nói thêm: “Ba phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, nhưng hòa bình và an ninh thế giới chưa thực sự bền vững.”
Hãng tin AP cho biết Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ dự kiến diễn ra vào 14/11, nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa xác nhận liệu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có tham dự hội nghị trực tuyến này hay không. Tổng thống Trump đã tham dự hội nghị thượng đỉnh vào năm 2017, nhưng chỉ cử đại diện tham dự trong hai hội nghị gần đây.
Tại hội nghị lần này, Việt Nam cùng các quốc gia ASEAN và các quốc gia khác trong khu vực, dự kiến sẽ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 6 đối tác đối thoại bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.
15 quốc gia tham gia RCEP chiếm gần một phần ba dân số thế giới và chiếm 29% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Trong đó, chỉ riêng Trung Quốc đã là quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu lớn nhất trong các thành viên RCEP.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, người chủ trì các cuộc họp ASEAN năm nay, cho Reuters biết: “Việc ký kết RCEP sẽ tạo động lực cho thương mại khu vực, đặc biệt là giữa các bên ký kết.”