Thủ tướng Phạm Minh Chính nói với Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Vatican, rằng nhà nước Việt Nam theo đuổi chính sách nhất quán “tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân”, viện dẫn hệ thống chính sách, pháp luật liên quan được hoàn thiện.
Khi tiếp nhà ngoại giao hàng đầu của Tòa thánh Vatican hôm 10/4, ông Chính bày tỏ hy vọng người Công giáo Việt Nam phát huy tinh thần “kính Chúa, yêu nước”, “giáo dân tốt là công dân tốt”, “sống tốt đời đẹp đạo, tích cực tham gia xây dựng và chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo”, theo Cổng thông tin chính phủ.
Nhấn mạnh những tiến triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh, Thủ tướng Chính nói rằng hai bên duy trì liên lạc cấp cao cũng như hoạt động của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican.
Ông Chính gọi việc nâng cấp mối quan hệ lên cấp Đại diện Giáo hoàng thường trú là một cột mốc quan trọng và là kết quả của một quá trình trao đổi tích cực trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.
Sự hợp tác này “thể hiện Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo”, ông Chính nói.
Tổng Giám mục nói ông tin rằng với sự hiểu biết lẫn nhau và “đối thoại chân thành”, mối quan hệ sẽ đạt được tiến bộ mới.
Hai ông chia sẻ quan điểm về sự cần thiết phải thúc đẩy các cuộc tiếp xúc cấp cao, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thời gian tới.
Cũng hôm 10/4, khi tiếp ông Gallagher, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói chính quyền Việt Nam “đồng hành” với Hội đồng Giám mục Việt Nam “để phát huy những đóng góp của Công giáo trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bác ái-xã hội”.
Trang la Croix International hôm 10/4 dẫn lời các nhà quan sát cho rằng chuyến thăm Việt Nam 5 ngày của Tổng Giám mục Gallagher tuần này đánh dấu một bước nữa hướng tới việc chính thức khôi phục mối quan hệ giữa Tòa thánh và Việt Nam, vốn đã bị cắt đứt vào năm 1975 khi chính quyền cộng sản thống nhất đất nước và trục xuất Sứ thần Giáo hoàng.
Mãi đến năm 1990, Tòa thánh mới có thể có những động thái ngoại giao đầu tiên với chính quyền Hà Nội, nhưng tiến độ diễn ra rất chậm và trong khoảng thập kỷ tiếp theo, hai bên hầu như không có tiến triển nhiều ngoài việc các phái đoàn Vatican thực hiện các chuyến thăm hàng năm để họp với các cơ quan chính phủ và thăm các giáo phận Công giáo.
Một bước đột phá lớn xảy ra vào năm 2007 khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Giáo hoàng Benedict XVI tại Vatican trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Vatican của một người đứng đầu chính phủ Việt Nam sau hơn 30 năm.
Vào tháng 2/2009, cuộc họp đầu tiên của Nhóm làm việc chung Việt Nam-Tòa thánh đã diễn ra tại Hà Nội, và vào tháng 12 năm đó, Giáo hoàng Benedict đã hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, được ca ngợi là “một giai đoạn quan trọng trong tiến trình quan hệ song phương với Việt Nam”.
Vào năm ngoái, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Vatican và chính thức mời Giáo hoàng Phanxicô thăm Việt Nam.
Trang la Croix International viết rằng chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn có quyền hạn chế số lượng và quy mô của các giáo xứ địa phương, cũng tổ chức các cuộc tham vấn trước khi bổ nhiệm các giám mục. Tuy nhiên, Vatican không cần sự chấp thuận của Hà Nội trước khi bổ nhiệm giám mục như ở Trung Quốc.
“Một số vấn đề vẫn còn gây tranh cãi, chẳng hạn như yêu cầu bồi thường tài chính của các giám mục đối với những vùng đất cũ bị chính phủ tịch thu, hoặc quyền tự do mở các trường tiểu học và trung học công giáo trong nước - Giáo hội hiện chỉ có thể điều hành các trường mẫu giáo”, ông Michel Chambon, một nhà thần học và nhân chủng học, một chuyên gia về Công giáo ở Châu Á, nói với trang la Croix. “Rome và các giám mục có thể có những ưu tiên khác nhau trong vấn đề này”.
Diễn đàn