Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Hungary: Âu châu nên viện trợ cho các nước láng giềng của Syria


Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Budapest, Hungary, 7/9/2015.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Budapest, Hungary, 7/9/2015.

Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban, kêu gọi các nước Âu châu tiến hành một kế hoạch viện trợ qui mô lớn cho các nước láng giềng của Syria để góp phần ngăn chận làn sóng người di cư tràn vào Liên hiệp Âu châu.

Ông Orban phát biểu như vậy trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Bild ở Đức, trong đó ông bào chữa cho sự do dự của ông đối với việc cho phép nhiều người di cư vào EU thông qua Hungary, là nước bị tràn ngập bởi những người tị nạn muốn đi xa hơn về hướng tây.

Nhà lãnh đạo Hungary nói rằng người Syria tị nạn đã có được một nơi an toàn tại các trại tị nạn ở các nước xung quanh, và ông cho rằng những người tới Âu châu thật ra không phải để tìm nơi an toàn mà chỉ để tìm kiếm một mức sống cao hơn. Ông nói mỗi nước trong EU nên đóng góp thêm 1% cho ngân sách của liên hiệp, thông qua việc cắt giảm những khoản chi tiêu khác, để có được 3,4 tỉ đô la để viện trợ cho các nước láng giềng của Syria là Thổ Nhĩ Kỳ, Li Băng và Jordan.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Der Spiegel ở Đức, Thủ tướng Áo Werner Faymann bác bỏ nhận định của nhà lãnh đạo Hungary. Ông nói ông Orban đã hành động một cách vô trách nhiệm khi cho rằng tất cả những người tị nạn là tị nạn kinh tế. Ông nói Áo, Đức và Thuỵ Điển – những nước có thái độ thân thiện nhất đối với làn sóng người di cư hiện nay, công nhận những người di cư này là những người tị nạn chiến tranh và tôn trọng quyền tị nạn của họ.

Tại cuộc họp ở Prague hôm thứ sáu, các vị ngoại trưởng của Hungary, Cộng hoà Czech, Ba Lan và Slovakia bác bỏ đề nghị của các đối tác giàu có hơn là Đức và Luxembourg để chấp nhận quota bắt buộc, bất chấp sự tán thành của Liên Hiệp Quốc đối với đề nghị này.

Kế hoạch này cho phép 160.000 người di cư được phân phối trong 28 nước thành viên EU.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi áp dụng một phương pháp thống nhất để giải quyết vụ khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng nhất kể từ thế chiến thứ hai, và có lẽ là “thách thức lớn nhất của EU trong lịch sử của liên hiệp.”

Ông cũng hô hào cho “một cơ chế phân phối công bằng” để ứng phó với những người di cư dự kiến sẽ tràn vào Âu châu. Nước Đức đã nhận nhiều người tị nạn nhất so với các nước khác ở Âu châu và dự kiến số người di cư tới Đức sẽ lên tới 800.000 trong năm nay.

Đan Mạch hôm qua cũng loan báo là họ sẽ không tiếp nhận bất kỳ người nào trong số 160.000 người xin tị nạn. Bộ trưởng Hội nhập Inger Stojberg nói “Chúng tôi đã nhận đủ phần của mình.”

Hơn 3.000 di dân đã tới Đan Mạch trong tuần này, nhưng hầu hết những người này cho biết họ muốn tới Thuỵ Điển, là nước mà họ cho là có thái độ thân thiện hơn.

Nước Anh cũng không chấp nhận cơ chế quota và cho biết họ sẽ nhận 20.000 người Syria tị nạn trong vòng 5 năm.

Sự bất đồng này khiến Chủ tịch Hội đồng Âu châu Donald Tusk hôm qua nói rằng ông sẽ triệu tập một cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU trong tháng này, nếu cho tới ngày thứ hai tuần sau mà các vị bộ trưởng không thể đồng ý với nhau về cách ứng phó với làn sóng người di cư.

Trong khi đó, Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc lên tiếng ủng hộ kế hoạch phân phối của Liên hiệp Âu châu, nhưng họ cũng lưu ý là liên hiệp này sẽ phải tái định cư 200.000 người tị nạn từ các nước tuyến đầu là Hy Lạp, Italy và Hungary.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi thiết lập ngay những trung tâm tiếp cư qui mô lớn tại các nước đó.

Cơ quan thế giới này cũng hoan nghênh việc nước Mỹ nhận thêm 10.000 người tị nạn và gia tăng trợ giúp nhân đạo cho những người Syria trốn chạy bạo động trong nước. Tuy nhiên, họ cũng nói rằng “Hoa Kỳ có thể và nên làm nhiều hơn nữa.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG