Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Nhật Bản quyết định tổ chức bầu cử trước kỳ hạn


Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hy vọng tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng trong cuộc bầu cử sắp tới để theo đuổi những chính sách cốt lõi, thường được gọi là Abenomics”, để kích thích tăng trưởng.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hy vọng tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng trong cuộc bầu cử sắp tới để theo đuổi những chính sách cốt lõi, thường được gọi là Abenomics”, để kích thích tăng trưởng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chuẩn bị giải tán chính phủ sau khi quyết định tổ chức bầu cử trước kỳ hạn để tranh thủ sự hậu thuẫn của công chúng đối với những biện pháp cải cách kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Mời quí thính giả theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật do thông tín viên Brian Padden gởi về từ trung tâm tin tức Đông Bắc Á của đài VOA ở Seoul.

Thủ tướng Abe loan báo rằng Hạ viện Nhật sẽ được giải tán vào ngày thứ sáu (21 tháng 11), để dọn đường cho cuộc bầu cử trước hạn kỳ vào tháng 12.

Loan báo của ông Abe cũng hoãn lại một biện pháp tăng thuế vốn được dự trù có hiệu lực vào tháng 10 năm tới, nhưng giờ đây có phần chắc sẽ phải hoãn lại 18 tháng.

Nhà lãnh đạo chính phủ Nhật Bản hy vọng tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng trong cuộc bầu cử sắp tới để theo đuổi những chính sách cốt lõi, thường được gọi là Abenomics”, để kích thích tăng trưởng. Hôm nay ông nói rằng nếu chính phủ ông trở lại nắm quyền thì ông sẽ không trì hoãn việc tăng thuế.

Ông Abe lên nắm quyền hồi tháng 12 năm 2012 với một kế hoạch nhằm chấn hưng nền kinh tế lớn hàng thứ 3 thế giới. Nhà lãnh đạo thuộc phe bảo thủ này hứa hẹn kích thích tăng trưởng bằng cách gia tăng chi tiêu của chính phủ, giữ cho lãi suất ở mức thấp và nới lỏng các qui định quản lý của chính phủ. Và ở một mức độ nào đó, những chính sách của ông đã mang lại hiệu quả. Giá chứng khoán và số người có công ăn việc làm đã gia tăng.

Tuy nhiên, dưới sức ép của những người muốn giảm nhanh các khoản thâm hụt của chính phủ, trong đó có một số người thuộc đảng của ông, Thủ tướng Abe đã tăng mức thuế tiêu thụ hồi tháng tư để giảm bớt số nợ công, hiện cao hơn gấp đôi Tổng Sản lượng Quốc nội.

Ông Masazumi Wakatabe, giáo sư kinh tế học của Đại học Waseda, cho rằng vụ tăng thuế mới đây đã góp phần đưa tới vụ suy thoái bất ngờ của nền kinh tế Nhật trong quí 3.

"Sau vụ tăng thuế hồi tháng tư, các số liệu về tiêu thụ đã trì trệ rất nhiều, các số liệu khác về đầu tư cũng không gia tăng. Cho nên tôi nghĩ rằng đó chính là lý do, bởi vì tiêu thụ và đầu tư gộp chung lại chiếm gần 80% GDP của Nhật."

Sự trì trệ ở Nhật Bản diễn ra trong lúc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng bị chậm lại vì chính phủ ở Bắc Kinh tìm cách làm cho nền kinh tế được thúc đẩy nhiều hơn bởi tiêu thụ nội địa và bớt lệ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư.

Lượng nhập khẩu của Nhật Bản sút giảm có phần chắc sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những nền kinh tế khác ở Châu Á. Ngay sau khi có tin Nhật Bản rơi vào suy thoái, chỉ số chứng khoán của các thị trường Châu Á đã sút giảm.

Kinh tế Âu Châu cũng đang bị trì trệ. Mới đây Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo rằng có thể xảy ra một vụ khủng hoảng toàn cầu lần thứ nhì. Ông viết trên một nhật báo Anh rằng “khu vực dùng đồng euro đang ở bờ vực của một vụ suy thoái thứ ba, với tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, tỉ lệ tăng trưởng hạ thấp, và giá cả cũng có mối rủi ro thật sự là sẽ sút giảm.”

Và mặc dù kinh tế Anh đang tăng trưởng, Thủ tướng Cameron nói rằng “những vấn đề rộng lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu tạo ra một mối rủi ro thật sự cho sự phục hồi của nước Anh.”

Giáo sư Wakatabe cho rằng sự suy thoái của Nhật tự nó sẽ không làm cho các thị trường thế giới bị sụp đổ.

"Tôi không nghĩ rằng sự tăng trưởng chậm lại ở Nhật Bản sẽ làm bùng ra một vụ tan chảy tài chánh toàn cầu. Nhật Bản là quan trọng nhưng không quan trọng tới mức đó. Tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra."

Tuy kinh tế Mỹ tiếp tục có tăng trưởng tương đối khá, triển vọng u ám của kinh tế toàn cầu có thể trở thành một mối quan tâm lớn nếu mức tiêu thụ trong nước bị sút giảm.

Giáo sư Wakatabe nói rằng mặc dù những sự khó khăn của kinh tế Nhật không làm cho hệ thống toàn cầu sụp đổ, nhưng Nhật Bản có phần chắc sẽ không là một lực đẩy cho sự tăng trưởng của kinh tế thế giới, ít nhất là trong ngắn hạn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG