Chính phủ Malaysia hôm nay xuống đường để khẳng định lập trường của mình sau cuộc biểu tình kéo dài 2 ngày đòi lật đổ Thủ tướng Najib Razak.
Thủ tướng Najib hôm nay cùng hàng ngàn khán giả ở thủ đô Kuala Lumpur dự khán cuộc diễu hành của cảnh sát, binh sĩ, và công chức.
Đối mặt trước các cáo giác gian lận nghiêm trọng, Thủ tướng Najib thề quyết sẽ không tù chức và chỉ trích những người biểu tình là "đầu óc nông cạn và thiếu tinh thần dân tộc.”
Ban tổ chức biểu tình nói trên 200 ngàn người đã xuống đường hôm thứ bảy và chủ nhật để yêu cầu ông Najib phải từ chức. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết đám đông biểu tình chưa tới 30.000 người.
Các giới chức ước tính có khoảng 13.000 người xuống đường hôm nay tham dự buổi lễ diễu hành.
Cáo tài liệu tiết lộ cho giới truyền thông hồi tháng 7 nói rằng ông Najib đã nhận 700 triệu đô la chuyển vào tài khoản cá nhân từ quỹ đầu tư 1MDB của chính phủ.
Ông Najib bác bỏ cáo giác này, nói rằng số tiền đó là khoản biếu tặng từ Trung Đông. Ông cũng cho rằng cáo giác tham nhũng này này nằm trong khuôn khổ của “âm mưu phá hoại chính trị” nhắm vào liên minh cầm quyền lâu năm ở Malaysia.
Cuộc điều tra về tố cáo này làm tăng khả năng ông Najib bị truy tố hình sự, một việc chưa từng xảy ra cho một vị thủ tướng của Malaysia.
Ông Najib đã cách chức viên tổng chưởng lý đã điều tra ông.
Cáo giác này được tiết lộ hồi tháng trước trên tờ Wall Street Journal, dựa trên những văn kiện bị rò rỉ từ một cuộc điều tra của chính phủ nhắm vào quỹ 1MDB.
1MDB, do ông Najib làm chủ tịch, đối mặt với cáo giác tham ô và quản lý sai trái, đang nợ nần hơn 11 tỉ đô la. Quỹ này đang bị điều tra bởi nhiều cơ quan trong chính phủ.
Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, 90 tuổi, người khởi xướng lời kêu gọi ông Najib từ chức, đã xuất hiện một lúc trong cuộc biểu tình hôm thứ bảy.
Những người biểu tình mặc áo thu vàng của Bersih, tổ chức xã hội dân sự hàng đầu tại Malaysia. Họ đã cắm trại qua đêm trên các đường phố ở Kula Lumpur gần Quảng trường Độc lập.
Đông đảo dân tham gia biểu tình dù chính phủ đã phong toả website của Bersih và tuyên bố cuộc biểu tình là bất hợp pháp vì các nhân vật tranh đấu không được cấp phép để tổ chức biểu tình tại địa điểm này.
Giới hữu trách cũng cấm dân chúng mặc trang phục màu vàng và đeo phù hiệu của tổ chức Bersih. Tuy nhiên, người biểu tình đã phớt lờ lệnh cấm này.