Thủ tướng Lesotho, một vương quốc nhỏ ở phía nam châu Phi nằm bên trong Nam Phi, sẽ thảo luận về tình hình bất ổn xảy ra trong thời gian gần đây ở nước ông, được mô tả như một mưu toan đảo chính.
Ông Thomas Thabane sẽ gặp Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Phó Thủ tướng Mothetjoa Metsing của Lesotho, người mà ông Thabane tố cáo giật dây vụ bất ổn.
Súng nổ hàng loạt trong thủ đô Maseru của Lesotho hôm thứ Bảy. Các tay súng, có lẽ là quân nhân, bao vây tư gia của thủ tướng và chỉ huy trưởng cảnh sát, và đồng thời tước vũ khí hai trụ sở cảnh sát.
Thủ tướng Thabane mô tả tình hình bất ổn là âm mưu đảo chính, nhưng một phát ngôn viên của quân đội, thiếu tá Ntlele Ntoi, nói rằng quân đội cố gắng giữ an ninh cho đất nước trước cuộc biểu tình chống chính phủ đông đảo được dự kiến diễn ra vào thứ Hai. Ông nói:
"Sự việc xảy ra sáng nay là chỉ huy Lực lượng Quốc phòng Lesotho hành động sau khi nhận được các tin tình báo nói rằng một số thành phần bên trong cảnh sát đang có kế hoạch trang bị võ khí cho một số phần cuồng tín, các thanh niên cuồng tín thuộc đảng phái chính trị, được dự trù sẽ có các hành động phá hoại.
Giới chức quân đội Lesotho cho biết binh sĩ đã trở về doanh trại và tình hình trong nước đã yên tĩnh trở lại.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban ki-Moon kêu gọi tôn trọng trật tự hiến định và nguyên tắc dân chủ. Trong một tuyên bố đưa ra hôm Chủ nhật, ông hoan nghênh nỗ lực của, Khối thịnh vượng chung SADC và các đối tác khác ở Lesotho tiếp tay phục hồi niềm tin giữa các thành viên trong chính phủ.
Hoa Kỳ kêu gọi vương quốc mở "cuộc đối thoại hòa bình" và tôn trọng tiến trình dân chủ.
Người ta cho rằng chính phủ liên minh mong manh của Lesotho đã sụp đổ từ mấy tháng trước. Quốc gia nhỏ bé, nằm bên trong Nam Phi, đã trải qua bất ổn chính trị nhiều lần từ khi giành được độc lập vào năm 1966.
Trong một cuộc phỏng vấn do đài truyền hình al-Jazeera thực hiện, Phó Thủ tướng Mothetjoa Metsing nói căng thẳng tăng cao kể từ khi ông Thabane đơn phương quyết định giải tán quốc hội. Tin cho hay một số thành viên quân đội trung thành với ông Metsing, thay vì với thủ tướng.
Một cuộc bầu cử diễn ra trong yên tĩnh vào năm 2012 dẫn đến việc thành lập một chính phủ liên minh gồm 3 đảng mà nhiều nhà quan sát từng hy vọng sẽ giúp nước này ổn định lâu dài.