Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Israel kêu gọi cứng rắn trong đàm phán với Iran


Thủ tướng Benjamin Netanyahu chào đón Tổng thống Pháp Francois Hollande tại phi trường Ben Gurion gần Tel Aviv.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu chào đón Tổng thống Pháp Francois Hollande tại phi trường Ben Gurion gần Tel Aviv.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiếp tục hối thúc các cường quốc thế giới phải có thái độ cứng rắn hơn đối với chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của Iran trong lúc họ chuẩn bị họp lại với Iran lần thứ ba tại Geneva vào ngày mai. Các giới chức Israel thất vọng trước những tin tức nói rằng một bản dự thảo của thỏa thuận đạt được hồi tháng trước sẽ nới lỏng một số lệnh trừng phạt mà không đòi hỏi Iran phải tháo bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Từ Jerusalem, thông tín viên Scott Bobb của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu, trong lúc tiếp kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande, đã cực lực phản đối bản dự thảo thỏa thuận với Iran là quá yếu.

"Rõ ràng thỏa thuận này chỉ có lợi cho Iran mà thôi, và điều đó thực sự có hại cho cả thế giới. Thỏa thuận mà Iran mơ ước là cơn ác mộng của thế giới. Với kiên nhẫn và quyết tâm thì chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận hữu ích. Điều đó có nghĩa là cần phải tiếp tục gây áp lực và tăng thêm sức ép."

Thủ tướng Netanyahu muốn các biện pháp chế tài phải nghiêm khắc hơn nữa cho đến khi Iran từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Nhưng Tehran phủ nhận việc họ đang chế tạo bom hạt nhân.

Ðó chính là một phần của vấn đề, theo nhận định của ông Ephraim Asculai, một phân tích gia của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia.

"Thế giới bị chia thành hai bên: một bên là những người tin người Iran, và bên kia là nhưng người không tin người Iran."

Nhiều người ở Israel tin rằng Iran muốn tiến trình đàm phán kéo dài. Ông Amos Yadlin, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, nói rằng chế tạo quả bom hạt nhân càng sớm càng tốt không phải là ưu tiên của Iran.

"Người Iran khôn ngoan hơn thế nhiều. Người Iran muốn chế tạo quả bom hạt nhân trong tình hình càng êm càng tốt, bằng một tốc độ vừa đủ để không thu hút những phản ứng chống lại họ."

Các thương thuyết gia phương Tây cho hay họ đang mưu tìm một thỏa thuận tạm để đóng băng chương trình hạt nhân của Iran và tạo dựng sự tin tưởng cho các cuộc đàm phán hướng đến việc chấm dứt chương trình này. Ông Asculai nói rằng cần phải nhanh chóng có được một thỏa thuận như vậy.

"Bởi vì nếu lần này không đạt được một thỏa thuận như vậy, người Iran sẽ tận dụng được thêm thời gian, và sẽ không còn chuyện đóng chương trình hạt nhân lại nữa, bởi vì họ sẽ có được khả năng hạt nhân, và họ sẽ nói với thế giới rằng ‘giờ thì chúng tôi đã có khả năng hạt nhân rồi, do đó qúy vị chỉ còn có cách chấp nhận hay không chấp nhận. Chúng tôi đã có khả năng hạt nhân trong tay rồi.’”

Ông Netanyahu nói rằng chính ông cũng muốn thấy đạt được một thỏa thuận để thương thảo tiếp, nhưng đó phải là một thỏa thuận cứng rắn. Ông Yadlin nói rằng chỉ có hai cách chọn lựa khác.

"Hai cách chọn lựa khác mà chúng ta có thể hướng đến trong năm 2014 là: một là Iran có bom hạt nhân, và cách kia là đánh bom Iran. Thế bí giữa có bom hay đánh bom không phải là tình huống mà chúng ta muốn lâm vào."

Các nhà phân tích Israel nói rằng phải tăng sức ép đủ mạnh lên Iran để đưa đến một thỏa thuận mà Israel có thể chấp nhận được. Họ nói rằng trong đó răn đe bằng một cuộc tấn công quân sự vẫn tiếp tục là một chọn lựa.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry nói rằng Thủ tướng Netanyahu của Israel có quyền lên tiếng phản đối thỏa thuận sắp có thể đạt được với Iran, nhưng nhưng lo ngại của ông Netanyahu thiếu cơ sở.

Trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu trong chuyến thăm Washington của ông Davutoglu, Ngoại trưởng Kerry nói rằng ông “rất coi trọng” sự lo sợ của nhà lãnh đạo Israel rằng một thỏa thuận với Iran sẽ làm tăng thêm mức độ đe dọa đối với nhà nước Do Thái và đẩy họ vào chỗ nguy hiểm.

"Tôi cam đoan với các bạn ở đó và với tất cả mọi người đang theo dõi tiến trình này rằng không có bất cứ điều gì mà chúng tôi đang làm ở đây, trong đánh giá của tôi, sẽ đẩy Israel vào chỗ nguy hiểm hơn. Tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi tin là tiến trình này sẽ giảm bớt rủi ro."

Sáu cường quốc thế giới – Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, và Ðức - sẽ tham gia vòng đàm phán thứ hai với Iran tại Geneva ngày mai, trong nỗ lực tìm cách giải quyết lo ngại rằng Iran đang theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG