Đường dẫn truy cập

Thủ Tướng Anh vận động lãnh đạo EU giúp sửa đổi thỏa thuận Brexit


Thủ Tướng Đức Angela Merket (trái) đón tiếp Thủ Tướng Anh Theresa May tại Berlin. Ảnh chụp ngày 11/12/2018. (AP Photo/Markus Schreiber)
Thủ Tướng Đức Angela Merket (trái) đón tiếp Thủ Tướng Anh Theresa May tại Berlin. Ảnh chụp ngày 11/12/2018. (AP Photo/Markus Schreiber)

Thủ tướng Anh Theresa May hôm thứ Ba đã đến gặp các lãnh đạo châu Âu để vận động sự hỗ trợ của họ cho những thay đổi đối với thỏa thuận Brexit trong nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn thỏa thuận này, sau khi hoãn lại một cuộc biểu quyết mà bà thừa nhận sẽ dẫn tới thất bại.

Vào lúc còn chưa đầy bốn tháng trước khi vương quốc Anh dự kiến rời Liên minh châu Âu ngày 29 tháng 3, Brexit rơi vào tình trạng hỗn loạn hôm 10/12 khi bà May thừa nhận các nhà lập pháp Anh sẽ không chấp nhận thỏa thuận của bà để duy trì các quan hệ chặt chẽ một khi đã rời EU.

Sự thể này có thể dẫn tới một loạt hệ quả - từ một Brexit hỗn loạn không có sự thỏa thuận của các bên, tình thế mà các doanh nghiệp cho là sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế khi đường dây cung cấp của họ bị cắt đứt, tới việc đối mặt với cơn thịnh nộ của cử tri ủng hộ Brexit nếu như toàn bộ tiến trình này bị đình chỉ.

Bà May vẫn hy vọng sẽ tiếp tục nắm quyền và hồi sinh thỏa thuận Brexit bằng cách chấp thuận những cam đoan từ EU hầu thuyết phục các nhà lập pháp. Đồng bảng Anh đã tuột dốc vì tình trạng bất định.

Một người vận động chống Brexit vẫy cờ Anh và EU ở Westminster, London, ngày 4/12/2018.
Một người vận động chống Brexit vẫy cờ Anh và EU ở Westminster, London, ngày 4/12/2018.

Giữa những lời kêu gọi đòi tổ chức tổng tuyển cử, nhiều người đã chế nhạo bà May và cảnh cáo rằng nỗ lực giờ chót của bà nhằm đạt một thỏa thuận chỉ là vô ích, bà May cam kết sẽ mưu tìm sự hỗ trợ của EU để thay đổi thỏa thuận sao cho các nhà lập pháp dễ chấp nhận hơn.

EU nói họ sẵn sàng thảo luận về những cách để tạo điều kiện cho thỏa thuận Brexit được phê chuẩn ở Anh, nhưng kiên quyết không đàm phán lại thỏa thuận, kể cả yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất, là một đường biên giới cứng với Bắc Ireland.

Đường biên giới cứng, bảo đảm biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh và EU vẫn mở dù có xảy ra bất cứ điều gì, có thể đòi nước Anh phải tuân theo các quy tắc của EU một cách vô hạn định. Đây chính là vấn đề nằm tại tâm điểm của tình trạng khó xử liên quan tới Brexit: Nước Anh muốn tự đặt ra các quy tắc riêng trong khi vẫn giao dịch với thị trường lớn nhất thế giới mà không gặp trở ngại nào.

Bộ trưởng đặc trách các vấn đề Châu Âu của Đức, ông Michael Roth nói: “Đôi khi tôi không hiểu thế giới nữa. Chúng ta đã dành rất nhiều thời gian, năng lượng và sự sáng tạo để đàm phán một cái gì đó mà chúng ta cả ở Berlin và Brussels đều không muốn. Không có ai muốn vương quốc Anh rời EU.

Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker hôm 10/12 khẳng định: Chúng ta đã có một thỏa thuận rồi, Chúng tôi sẽ không đàm phán lại.

Xét lại giải pháp BREXIT?

Cả đảng Bảo thủ đang cầm quyền của bà May và Đảng Lao động đối lập đã cam kết sẽ thi hành kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, trong đó cử tri Anh ủng hộ giải pháp rời khỏi EU với tỷ lệ 52% trên 48%.

Ba trong số 4 thủ tướng Anh còn sống và các nhà lập pháp đối lập nói cách duy nhất để tháo gỡ tình trạng bế tắc là một cuộc đầu phiếu mới. Trong thành phần chống đối Brexit ngày càng có nhiều người hy vọng về cơ hội sẽ có một cuộc biểu quyết khác. Nhưng những người ủng hộ Brexit nói làm như vậy là một sự phản bội.

Nhiều nhà lãnh đạo kinh doanh lo ngại một Brexit diễn ra trong hỗn loạn sẽ phá hỏng các đường dây cung cấp của họ. Một số người hy vọng rằng thất bại của bà May sẽ hoàn toàn xóa bỏ Brexit, giải pháp rời EU mà họ chưa bao giờ ủng hộ.

Đối mặt với thất bại, bà May hoãn lại một cuộc biểu quyết quan trọng về Brexit.

Trong khi giới đầu tư và các đồng minh cố gắng điều đình một giải pháp cho nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, các nhà lập pháp nổi loạn trong chính đảng của bà May đòi bà phải từ chức.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG