Đường dẫn truy cập

Phân phối và thu nhập còn tù mù


Phân phối và thu nhập còn tù mù
Phân phối và thu nhập còn tù mù

Những ngày đầu năm, báo chí trong nước liên tiếp đăng những phát biểu, trả lời phỏng vấn, bài viết của các nhà lãnh đạo cao nhất.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có lời chúc Năm mới nhân bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4, khóa XI, nhấn mạnh việc chấn chỉnh đảng là quyết định đối với sự tồn vong của chế độ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có lời phát biểu đăng trên báo đúng ngày 1/1/2012 nói nhiều đến việc cải cách hệ thống tư pháp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài viết dài về 7 nhóm giải pháp lớn về kinh tế - xã hội cho năm 2012, trong đó quan trọng nhất là tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kiềm chế lạm phát.

Đọc kỹ các văn kiện cơ bản trên đây, có thể dễ dàng thấy vắng bóng một vấn đề lớn là nhìn lại năm qua, việc phân phối của cải xã hội cho các tầng lớp dân cư ra sao? mức sống mọi mặt của nhân dân trong xã hội đã được nâng cao hay hạ thấp, ở mức nào? thu nhập thực tế của các loại viên chức, dân cư, đời sống của họ ra sao? kết quả của đổi mới và phát triển đã được phân chia ra sao trong xã hội?

Trong các xã hội dân chủ, vấn đề đời sống, mức sống, chất lượng cuộc sống luôn là vấn đề được xã hội quan tâm, luôn được báo chí đưa tin và bàn luận, cũng là vấn đề được tranh luận nhiều trong quốc hội.

Nền kinh tế đất nước có 2 mặt cơ bản: sản xuất và phân phối. Trong một xã hội bình thường, sản xuất ra của cải của toàn xã hội là do công sức của triệu triệu người lao động kết hợp lại trong muôn vàn tổ hợp, xưởng máy, xí nghiệp, cửa hàng của tư nhân, dựa trên nguyên tắc cao nhất là tự do kinh doanh, bình đẳng cạnh tranh theo pháp luật. Nhà nước chỉ đứng ra dựng lên những doanh nghiệp lớn mà tư nhân không đủ sức làm, như luyện kim lớn, cơ khí hiện đại, đường sắt, hàng không, điên lực, vận tải lớn, công nghiệp quốc phòng. Nền kinh tế phát triển phồn vinh khi khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển rộng khắp, phong phú, phục vụ thật tốt người tiêu dùng. Sức mạnh thực sự của nền kinh tế là từ các doanh nghiệp tư nhân làm nền rộng khắp.

Vai trò chính của Nhà nước là có chính sách khích lệ, thúc đẩy các doanh nghiệp tư lớn mạnh không ngừng, bằng hàng loạt chính sách giáo dục, đào tạo tay nghề, thuế khóa, luật lệ. Cần có chính sách thuế hợp lý nhằm phân phối lại nguồn thu nhập, khuyến khích ngành cần khuyến khích, hạn chế các mặt hàng cần hạn chế, điều hòa cho hợp lý các mức thu nhập, không để ai quá giàu hay quá nghèo, nhất là giàu lên không do lao động và tài năng.

Chức trách chủ yếu của Nhà nước về kinh tế chính là ở lĩnh vực phân phối, điều tiết và điều hòa các khoản thu nhập, thuế khóa, tiền lương, thực hiện các chính sách xã hội, trợ cấp, phụ cấp, bảo hiểm khi bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp, các chính sách giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế…Nhà nước phải là chỗ dựa cho mỗi công dân được sống yên ổn, an toàn, thoải mái, được hưởng thụ thành quả của phát triển, bộ máy chính quyền trong sạch, không để người dân lương thiện bị móc túi do tham nhũng hối lộ, nghĩa là bị phân phối lại một cách phi pháp, bị móc túi khi tiền lương đã không đủ sống bình thường.

Trong một xã hội được gọi là xã hội phúc lợi ở Bắc Âu do các đảng Xã hội Dân chủ lãnh đạo, như ở Thụy Điển và Na Uy, chênh lệch giàu nghèo được Nhà nước điều chỉnh rất chặt chẽ, không có người giàu quá đáng, cũng không có cảnh nghèo khổ thiếu ăn, không nhà ở, thất nghiệp lâu. Tại các nước này Nhà nước nắm rất cụ thể thu nhập từng gia đình, từng công dân, đánh thuế hợp lý, đặc biệt là triệt để chống tham nhũng, giải thoát cho toàn xã hội mọi phiền hà khổ não do nạn tham nhũng gây nên. Đây chính là ngăn ngừa sự phân phối lại vào loại tiêu cực nhất, dẫn đến cảnh trớ trêu kẻ giàu bất chính lại giàu thêm, kẻ nghèo lương thiện bần cùng thêm. Trong một xã hội phúc lợi, người không có nhà ở được cấp phòng ở, bị kiện không thuê nổi luật sư, xã hội sẽ cung cấp luật sư miễn phí.

Ngược lại, trong một xã hội khép kín, không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, không có phản biện công khai, việc Nhà nước làm nhiệm vụ quản lý thu nhập của viên chức, của công dân không minh bạch, không thực hiện quyền phân phối lại để điều tiết thu nhập cho hợp lý, buông lỏng quản lý tài chính, ngân sách, thả lòng nạn tham nhũng, tệ lãng phí, dẫn đến những bất công xã hội kinh hoàng, những tổn thất tài sản và ngân sách chung vô kể.

Trong một xã hội dân chủ, phát triển, văn minh, vấn đề phân phối và thu nhập luôn là vấn đề công khai, được thông tin, bàn luận rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, được các viện kinh tế, tài chính, thống kê, thăm dò dư luận thông báo đều đặn, tạo nên sức ép buộc Nhà nước phải làm đúng chức năng cơ bản của mình là dùng đòn bẩy của chính sách kinh tế, thuế khóa, luật pháp để chỉ đạo chặt chẽ việc phân phối, việc phân phối lại, việc điều tiết, điều chỉnh thu nhập trong toàn xã hội. Không thể buông lỏng, buông trôi, mờ ảo, không rõ ràng, minh bạch trong một lĩnh vực cực kỳ hệ trọng này. Vì lẽ đơn giản đây là nghĩa vụ cơ bản nhất cũng là quyền hạn hàng đầu của một Nhà nước trước hiến pháp và nhân dân.Một nhà nước tự nhận là xã hội chủ nghĩa càng phải đạt vấn đề phân phối, phân phối lại, thu nhập lên hàng đầu.

Bước vào năm 2012, mong rằng vấn đề phân phối của cải, tài sản, tiền bạc, thành quả đổi mới trong xã hội nước ta, trên tầm vĩ mô cũng như vi mô, sẽ được công bố, bàn bạc công khai sâu rộng trong xã hội, từ các nhà kinh tế, tài chính, các nhà sản xuất kinh doanh đến các bà nội trợ, người dân bình thường; Vì lẽ vấn đề phân phối tốt hay xấu, đúng hay sai, công bằng hay bất công, có tác động trực tiếp đến cuộc sống của mọi tầng lớp dân cư, đến cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi người dân, đến việc thực hiện mục tiêu chung xây dựng xã hội hài hòa, ổn định, bình đẳng, văn minh và hạnh phúc.

Ở Trung Quốc, vấn đề phân phối cực kỳ bất công, đảng viên cấp cao và con cháu họ chỉ chiếm chừng 2% dân số lại chiếm đến 40% của cải đang gây phẫn nộ trong xã hội. Ở ở Hoa Kỳ khẩu hiệu « 99% - chiếm phố Wall », với nghĩa là các tỷ phú chiếm 1% số dân lại độc chiếm đa phần tài sản xã hội, để 99% số dân sống khó khăn do bị bóc lột quá đáng, cũng là tiếng thét phẫn uất trước bất công trong phân phối.

Còn tại Việt Nam bài toán phấn phối đang được giải quyết ra sao, đang là vấn đề rất tù mù, mờ ảo, trong khi đảng CS luôn vỗ ngực là thuộc giai cấp vô sản, vì người nghèo, vì một xã hội công bằng, văn minh, không có bóc lột.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG