Đường dẫn truy cập

Thủ lãnh phe nổi dậy Nam Sudan thăm Ai Cập


Lãnh đạo phe nổi dậy Nam Sudan Riek Machar (trái) phát biểu trước truyền thông về tình hình Nam Sudan sau thỏa thuận hòa bình, ngày 31/8/ 2015.
Lãnh đạo phe nổi dậy Nam Sudan Riek Machar (trái) phát biểu trước truyền thông về tình hình Nam Sudan sau thỏa thuận hòa bình, ngày 31/8/ 2015.

Lãnh đạo phe nổi dậy ở Nam Sudan, ông Riek Machar hôm nay đi thăm Ai Cập để yêu cầu nhà lãnh đạo Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi ủng hộ cho việc thực thi thỏa thuận hòa bình ký kết hồi tháng 8 năm ngoái nhằm chấm dứt xung đột ở Nam Sudan.

Tuần trước, các nhà lãnh đạo của Liên hiệp Phi châu họp tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, đã bày tỏ sự thất vọng đối với phe nổi dậy và chính phủ Nam Sudan vì thiếu tiến triển trong việc thực thi tiến trình hòa bình, đặc biệt là việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Thỏa thuận hòa bình đã bị đình trệ vì phe đối lập bác bỏ quyết định của Tổng thống Salva Kiir thành lập 28 bang. Tổng thống Kiir nói rằng một mục đích của việc thành lập các bang mới là để phân quyền của chính phủ trung ương, phân bổ nguồn lực đến gần công chúng hơn và đồng thời giảm bớt kích cỡ của chính phủ trung ương.

Các thủ lãnh đối lập nói rằng việc phân chia Nam Sudan thành 28 bang gây ra thêm bất ổn cộng đồng bởi vì cách làm đó sẽ tước đoạt đất đai của một bộ tộc này và trao cho một bộ tộc khác.

Ông Ezekiel Lol Gatkuoth, thư ký ngoại vụ của phe đối lập mang tên Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan nói rằng Ai Cập có quan hệ truyền thống với Nam Sudan và ông Machar sẽ hối thúc Tướng Sissi sử dụng các mối quan hệ đó để giúp cho tiến trình hòa bình.

"Ai Cập trước đây cũng là một nước chủ thuộc địa mạnh cùng với Anh quốc, và nay Nam Sudan là một nước độc lập. Nhiều lãnh tụ của chúng tôi đã theo học tại Ai Cập. Do đó tất cả chúng tôi tán thành vai trò của Ai Cập. Họ cũng có thể dùng ảnh hưởng của họ để bảo đảm là tất cả các bên tuân thủ thỏa thuận hòa bình," ông Gatkuoth nói.

Ủy ban Quan sát và Đánh giá tình hình, gọi tắt là JMEC, có nhiệm vụ quan sát việc thực thi tiến trình hòa bình tháng 8 hối thúc hai bên nhanh chóng thành lập ngay một chính phủ đoàn kết quốc gia chuyển tiếp. Tháng Giêng vừa qua là thời hạn chót để thành lập chính phủ chuyển tiếp.

Cựu Tổng thống Botswana Festus Mogae, chủ tịch JMEC, hôm thứ Ba ở Juba đã nói với các giới chức chính phủ và giới chức phe đối lập Nam Sudan rằng ông thất vọng trước sự chậm trễ, mà ông cho là đã góp phần vào nỗi thống khổ liên tục của nhân dân Nam Sudan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG