Đường dẫn truy cập

Thủ lãnh đảng bảo thủ Hy Lạp có 3 ngày để lập chính phủ liên minh


Thủ lãnh có lập trường bảo thủ của Hy Lạp, ông Antonis Samaras, phát biểu trước các ủng hộ viện ở Quảng trường Syntagma tại Athens, ngày 17/6/2012
Thủ lãnh có lập trường bảo thủ của Hy Lạp, ông Antonis Samaras, phát biểu trước các ủng hộ viện ở Quảng trường Syntagma tại Athens, ngày 17/6/2012
Thủ lãnh có lập trường bảo thủ của Hy Lạp Antonis Samaras sẽ có 3 ngày để thành lập một chính phủ liên minh, sau khi đảng của ông, một chính đảng ủng hộ kế hoạch cứu nguy tài chính, đoạt được đa số ghế trong các cuộc bầu cử quốc hội tại Hy Lạp hôm qua.

Ông Samaras đã hội kiến cùng Tổng Thống Hy Lạp Carolos Papoulias trong ngày hôm nay, và được ông ủy quyền để theo đuổi các cuộc thương thuyết nhằm thành lập một chính phủ liên minh.

Đảng Tân Dân chủ theo lập trường bảo thủ đoạt được 30% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử, để chiếm 129 ghế trong quốc hội Hy Lạp gồm tổng cộng 300 ghế, kể cả 50 ghế phụ trội được giao cho chnh đảng nào chiếm được nhiều phiếu của cử tri nhất.
Thời biểu cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp:

- Tháng Tư, 2010: Mang nợ 460 tỉ đô la, chính phủ tìm sự giúp đỡ của quốc tế.
- Tháng Năm, 2010: Thoả thuận cứu nguy 43 tỉ đô la của Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế với điều kiện Hy Lạp áp dụng các biện pháp khắc khổ.
- Tháng Bảy, 2011: Lãnh đạo các nước trong khối sử dụng đồng euro cung cấp kế hoạch cứu nguy thứ nhì cho Hy Lạp.
- Tháng Giêng, 2012: Sau gần 2 tháng đàm phán, các ngân hàng không đạt được thoả thuận về việc hủy bỏ một phần món nợ của Hy Lạp.
- Tháng Hai, 2012: Công đoàn tổ chức các cuộc đình công đông đảo, Thủ tướng George Papandreou từ chức.
- Tháng Năm, 2012: Hai đảng chính, Pasok và Tân Dân Chủ, thất bại nặng trong cuộc bầu cử. Không đảng nào có thể thành lập chính phủ liên hiệp.
- Tháng Sáu, 2012: Đảng Tân Dân Chủ chiếm được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử quốc hội, giúp đảng này có thể thành lập chính phủ liên hiệp.

Đảng cực tả chống kế hoạch cứu nguy, là Đảng Syriza, về nhì với 71 ghế, trong khi Đảng Xã hội PASOK, ủng hộ kế hoạch cứu nguy, chiếm được 33 ghế, và như thế có thể vừa đủ để giúp thành lập một liên minh cầm quyền.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Jose Manuel Barroso đã ra một tuyên bố chung, nói rằng Liên hiệp Châu Âu trông mong làm việc với tân chính phủ Hy Lạp, và sẽ hỗ trợ các nỗ lực nhằm đưa nền kinh tế Hy Lạp lên con đường tiến tới phát triển “bền vững. ”

Ông Samaras mô tả kết quả cuộc bầu cử Hy Lạp là một thắng lợi cho toàn Châu Âu. Ông nói nhân dân Hy Lạp đã bày tỏ nguyện vọng của họ muốn tiếp tục sử dụng đồng euro, duy trì vị thế là một phần không thể tách rời khỏi khối sử dụng đồng tiền chung euro, và tôn trọng những cam kết mà Hy Lạp đã đưa ra, để thúc đẩy phát triển.

Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, và cũng là nước chủ yếu đóng góp vào kế hoạch cứu nguy Hy Lạp tốn kém nhiều tỉ đôla, đề nghị rằng Hy Lạp có thể có thêm thời gian để tuân thủ các điều kiện cắt giảm chi tiêu gắn liền với các ngân quỹ cứu nguy tài chính.

Đảng Tân Dân Chủ đã hứa sẽ thương thuyết lại các điều kiện trong kế hoạch kiệm ước mà Liên hiệp Châu Âu và Quỹ tiền tệ Quốc tế đòi hỏi.

Ông Alexis Tsipras, thủ lãnh của Đảng Syriza đã kêu gọi hủy bỏ toàn bộ kế hoạch kiệm ước, một quyết định có thể buộc Hy Lạp phải rời khối sử dụng đồng tiền chung euro.

Sau kết quả bầu cử, ông Tsipras nêu ý định sẽ tiếp tục hoạt động trong tư cách một chính đảng đối lập.

Tại Washington, một tuyên bố do Tòa Bạch Ốc đưa ra nói rằng “như Tổng Thống Obama và các lãnh đạo thế giới đã nói, cộng đồng quốc tế tin rằng việc Hy Lạp duy trì trong khối sử dụng đồng euro trong khi vẫn tôn trọng các cam kết của mình sẽ cải cách, sẽ phục vụ quyền lợi của tất cả.”

Thủ Tướng Tây ban nha Mariano Rajoy, nói kết quả cuộc bầu cử tại Hy Lạp là tin vui cho Hy Lạp và Liên hiệp Châu Âu nói chung.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Hy Lạp, bộc phát từ năm 2009, đã gây ra một tác động giây chuyền trên khắp Châu Âu. Hy Lạp giờ đây đang bước sang năm thứ 5 của cuộc suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt hơn 22%.

Các cuộc thăm dò công luận cho thấy đa số áp đảo trong dân chúng nước này ủng hộ giải pháp duy trì trong khối sử dụng đồng euro, nhưng cũng cực lực chống đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG