Tại Los Angeles, một người đàn ông hét to “giết người Do Thái” rồi tìm cách đột nhập vào nhà của một gia đình. Ở London, các bé gái trong sân chơi bị cho là “người Do Thái hôi hám” và không nên chơi cầu trượt. Ở Trung Quốc, những bài đăng so sánh người Do Thái với những loài ký sinh, ma cà rồng hay rắn tràn lan trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt “thích”.
Đây là những ví dụ về các vụ việc bài Do Thái, đã gia tăng trên toàn cầu kể từ cuộc tấn công của các tay súng Hamas vào miền nam Israel hôm 7/10 dẫn tới cuộc chiến của Israel nhắm vào nhóm Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.
Ông Anthony Adler, 62 tuổi, phát biểu bên ngoài giáo đường Do Thái nơi ông đến cầu nguyện ở Golders Green, một khu phố ở London có cộng đồng Do Thái lớn, nói: “Đây là thời điểm đáng sợ nhất đối với người Do Thái kể từ Thế chiến Thứ hai. Trước đây, chúng tôi từng gặp nhiều vấn đề, nhưng mọi thứ chưa bao giờ tồi tệ đến thế này trong đời tôi”.
Ông Adler, người điều hành ba trường học Do Thái, đã tạm thời đóng cửa hai trong số đó sau ngày 7/10 vì lo ngại các cuộc tấn công vào học sinh, đồng thời đã tăng cường an ninh ở cả ba trường.
Ông nói: “Nỗi sợ hãi lớn nhất là sẽ có một cuộc tấn công ngẫu nhiên vào cộng đồng, vào gia đình và con cái chúng tôi”.
Ở những quốc gia có số liệu từ cảnh sát hoặc các nhóm xã hội dân sự, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức và Nam Phi, rõ ràng là số vụ việc chống Do Thái đã tăng lên vài trăm phần trăm kể từ ngày 7/10 so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở một số quốc gia, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Anh, các vụ việc kỳ thị người Hồi giáo cũng gia tăng kể từ ngày 7/10.
Trong trường hợp các vụ việc chống Do Thái, hầu hết đều bao gồm xúc phạm bằng lời nói, nói xấu hoặc đe dọa trực tuyến, vẽ bậy và bôi bẩn tài sản, cơ sở kinh doanh hoặc địa điểm có ý nghĩa tôn giáo của người Do Thái. Tấn công thể chất chiếm một tỷ lệ đáng kể.
Một chủ đề chung là sự tức giận trước cái chết của hàng nghìn người Palestine do Israel bắn phá Gaza. Sự tức giận này được viện dẫn để biện minh cho hành vi gây hấn bằng lời nói hoặc thể chất đối với người Do Thái nói chung, thường đi kèm với việc sử dụng những lời lẽ miệt thị và những câu nói bóng gió bắt nguồn từ lịch sử lâu đời của chủ nghĩa bài Do Thái.
Nhà khoa học chính trị Nonna Mayer, thành viên Ủy ban Tư vấn Quốc gia về Nhân quyền (CNCDH) của Pháp, một ủy ban nhân quyền độc lập, nói: “Dù quan điểm của họ về cuộc xung đột là gì, ngay cả khi họ cực kỳ chỉ trích chính sách của chính phủ Israel, người Do Thái đối với họ tương đương với Israel, tương đương với việc giết trẻ em Palestine”. Bà mô tả những gì đang nghĩ trong đầu của những kẻ đứng sau các vụ việc chống Do Thái.
‘Bất kỳ lý do nào’
Bầu không khí sợ hãi đối với nhiều người Do Thái còn tồi tệ hơn so với những đợt gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái trước đây liên quan đến bùng phát bạo lực ở Trung Đông, một phần vì cường độ xung đột ở Gaza và một phần vì tổn thương ngày 7/10.
Bà Mayer nói: “Ý tưởng rằng Israel là nơi trú ẩn tối hậu, ý tưởng đó hoàn toàn tan vỡ bởi những gì xảy ra vào ngày 7/10”.
Vụ việc chống Do Thái rùng rợn nhất trên toàn cầu là vụ tấn công vào một sân bay ở vùng Dagestan của Nga vào Chủ nhật 29/10 bởi một đám đông giận dữ đang tìm kiếm người Do Thái để làm hại sau khi một chuyến bay đáp xuống từ Tel Aviv.
Giáo sĩ Alexander Boroda, chủ tịch Liên đoàn Cộng đồng Do Thái của Nga, nói tình cảm chống Israel đã chuyển thành hành vi gây hấn công khai đối với người Do Thái ở Nga.
Ông Shneor Segal, giáo sĩ trưởng Ashkenazi của Azerbaijan, cho biết vụ việc cho thấy “những kẻ chống Do Thái sẽ sử dụng bất kỳ lý do nào - cuộc khủng hoảng Trung Đông hiện tại chỉ là cuộc khủng hoảng mới nhất - để khủng bố số lượng còn lại của chúng tôi đang ngày càng suy giảm” ở Caucasus.
Một loạt vụ việc trên khắp thế giới cho thấy nỗi sợ hãi và căng thẳng đang ảnh hưởng đến cộng đồng Do Thái.
Tại Buenos Aires, học sinh tại một trường học Do Thái nổi tiếng được yêu cầu không mặc đồng phục thông thường để khó bị nhận dạng hơn, các bậc phụ huynh cho biết. Các trường khác đã hủy bỏ các chuyến đi cắm trại và hoạt động bên ngoài cơ sở của họ theo kế hoạch.
Tại Đại học Cornell ở vùng thượng New York, an ninh đã được tăng cường xung quanh Trung tâm Cuộc sống Do Thái sau các mối đe dọa trực tuyến, bao gồm cả lời kêu gọi đánh bom.
Tại Johannesburg, những người biểu tình ủng hộ Palestine đã tuần hành đến một khu vực có cộng đồng Do Thái lớn vào ngày 28/10, xé bỏ những bức ảnh của các con tin Israel ở Gaza khỏi các bức tường của một trung tâm cộng đồng trong khi buổi lễ Shabbat đang được tổ chức tại một giáo đường Do Thái gần đó.
Ông Akiva Carr, người có mặt trong giáo đường Do Thái khi vụ việc xảy ra, nói: “Tôi cảm thấy phẫn nộ đối với những người đang cố gắng hạn chế quyền tự do tôn giáo và quyền tự do đi lại của tôi, phần lớn là do chủ nghĩa bài Do Thái của họ”.
Các phản ứng chính thức đối với sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái ở mỗi quốc gia đều khác nhau.
Tại Hoa Kỳ và Tây Âu, các nhà chức trách hầu hết đều nhanh chóng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cộng đồng Do Thái, tố cáo chủ nghĩa bài Do Thái và trong một số trường hợp tăng cường an ninh tại các địa điểm liên quan.
Tại Israel, sau vụ việc ở Dagestan, chính phủ khuyến cáo công dân nên “xem xét sự cần thiết phải đi ra nước ngoài vào thời điểm này” và kêu gọi người Israel cư trú ở nước ngoài cảnh giác và tránh xa các cuộc biểu tình.
Ở Trung Quốc, nơi chính phủ thường xuyên kiểm duyệt các từ hoặc cụm từ được coi là nhạy cảm trên mạng xã hội, không có dấu hiệu nào cho thấy họ đã thực hiện bất kỳ bước nào để hạn chế làn sóng bài Do Thái trên mạng xã hội.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói luật pháp Trung Quốc cấm sử dụng Internet để tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan, hận thù sắc tộc hoặc phân biệt đối xử.
Diễn đàn