Đường dẫn truy cập

Thu bất động sản giảm mạnh ảnh hưởng ra sao đến độc đảng? 


Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai.

Phạm Chí Dũng

Nhân tố ‘trở cờ’ với đảng

Chẳng có gì là vĩnh viễn. Thành tích thu thuế cũng thế. Thuế bất động sản - từng là niềm tự hào của nền ngân sách độc đảng ở Việt Nam vào giai đoạn 2007 - 2011 và 2017 - 2018, lại đang biến thành nhân tố ‘trở cờ’ mà khiến ngân sách này buộc phải căng thẳng tính toán về cơ may còn lại cho chân đứng chính trị đang rã dần của nó.

3 tháng đầu năm 2019 dù trôi qua với kết quả tạm thời yên tâm dành cho chính thể độc đảng ở Việt Nam về thu ngân sách vẫn ‘tăng cao’ so với cùng kỳ năm 2018, nhưng một ‘tin mừng’ bắt buộc phải xảy ra cũng kèm theo: nguồn thu từ tiền sử dụng đất liên tục giảm sâu.

Một quy luật biến thiên đã lộ ra: cho dù cố gắng ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’ đối với dân chúng và doanh nghiệp, nhưng một số nguồn thu đã mang tính bất ổn định và đang gần với sự thật trần trụi thu được chăng hay chớ.

Sài Gòn - nơi được xem là bò sữa’ về thu thuế của Bộ Chính trị, cũng là thành phố có nguồn thu bất động sản lớn nhất bởi thị trường nhà đất nơi đây đã được các nhóm đầu cơ cá mập ‘đánh lên’ suốt từ năm 2017 đến gần đây, trong 3 tháng qua có số thu thuế bất động sản ước 1.308 tỷ đồng, chỉ đạt 13,08% dự toán và giảm đến 74,85% so cùng kỳ. Đó là những con số cực kỳ đáng báo động cho tương lai thu ngân sách của chế độ ‘ăn của dân không chừa thứ gì’.

Thật ra, câu chuyện ‘giảm thu ổn định’ trên đã hình thành cái logic của nó từ vài năm trước nhưng chính phủ cùng các cơ quan tuyên giáo đã cố ém nhẹm không cho dư luận biết.

Thành tích của ‘Bộ Thắt Cổ’

Trong một cuộc báo cáo cho Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội vào trung tuần tháng Năm năm 2018, chính bộ trưởng “Bộ Thắt Cổ” (một tục danh mà người dân biệt đãi cho Bộ Tài chính) – ông Đinh Tiến Dũng – đã phải thừa nhận một sự thật trần trụi và tàn nhẫn trong cơ cấu thu ngân sách của chính thể độc đảng ở Việt Nam vào năm 2017: dù tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 49,16 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc Hội, vượt 76,48 nghìn tỷ so với dự toán, nhưng số tăng thu đạt được chủ yếu không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà là nhờ tăng thu từ tiền sử dụng đất (61,58 nghìn tỷ đồng so với dự toán), và một phần khác từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước (15,19 nghìn tỷ đồng), tăng thu từ dầu thô (11,28 nghìn tỷ đồng so với dự toán).

Thành tích của ‘Bộ Thắt Cổ’ là trên cả tàn nhẫn: vào năm 2017 chính bộ này đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân. Thu nghiến một lần và bất chấp tiếng kêu trong họng của những người phải cắn răng đóng thuế.

Cũng bởi trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Khi đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách đã “móc túi” dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.

Nhưng đến tháng Mười năm 2018, một bản báo cáo của cơ quan Kiểm Toán Nhà Nước Việt Nam được công bố đã bổ sung cho lo ngại của Đinh Tiến Dũng khi phải thừa nhận rằng phần thu cân đối ngân sách nhà nước 2018 tuy có thể đạt 1.358,4 nghìn tỷ đồng – tức tăng 3% so với dự toán, nhưng đó là số tăng thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong 4 năm trở lại đây.

Báo cáo này cũng cho biết số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất không ổn định (hay còn được xem là “cấu trúc thu không bền vững”).

Nỗi lo lắng trên của cơ quan Kiểm Toán Nhà Nước cũng chính là tâm trạng lo sợ khôn nguôi của chính thể độc đảng ở Việt Nam: nếu trong năm 2019 và những năm sau đó mà hai nguồn thu này vẫn “không ổn định” theo chiều hướng suy giảm chứ không tăng vọt ồn ào như năm 2017 và 2018 – đặc biệt đối với thu thuế buôn bán nhà đất, ngân sách nhà nước và ngân sách đảng sẽ tìm đâu ra nguồn mới để bù đắp cho cái miệng rộng ngoác như hàm cá mập của quốc nạn bội chi ngân sách, chi thường xuyên ‘ổn định’ đến trên 70% tổng chi ngân sách cho đội ngũ 3 triệu công chức viên chức mà trong đó có đến 30% ăn không ngồi rồi, chi xài lãng phí vô tội vạ cùng quốc nạn tham nhũng mà đang nhấn chìm xã hội Việt Nam xuống tầng dưới cùng của địa ngục thời hiện đại?

Ngày 25/3/2019, đã có thêm một xác nhận từ giới nghiên cứu khoa học về triển vọng thâm hụt nguồn thu bất động sản, tại hội thảo khoa học và công bố ấn phẩm "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng".

Về cơ cấu ngân sách, một chuyên gia là phó giáo sư, tiến sỹ Tô Trung Thành chỉ ra trong thu nội địa, có nhóm khoản thu giữ vai trò quan trọng là thu từ nhà đất. Nguồn thu này chỉ chiếm tỷ lệ trung bình là 9,6% tổng thu nội địa giai đoạn 2006-2011 đã tăng lên trung bình 11,6% giai đoạn 2012-2014. Tới giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ trên đã lên tới 13,8%. Tuy nhiên, vấn đề là, chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm này là khoản thu có tính chất một lần là thu từ giao quyền sử dụng đất (chiếm trung bình 8,15% tổng thu ngân sách giai đoạn 2015-2018). Trong khi ấy, thuế từ nhà đất chỉ chiếm 0,2% tổng thu ngân sách Nhà nước. Việc phụ thuộc lớn và các khoản thu không bền vững như thu từ giao đất nói trên theo nhóm tác giả là một lý do khiến ngân sách ngay lập tức bị ảnh hưởng nếu thị trường bất động sản ảm đạm.

Độc đảng sẽ sống ra sao?

Thị trường bất động sản đã từng có những thời hoàng kim mang lại tỷ suất lợi nhuận gấp từ 2 - 3 lần cho giới đầu cơ cá mập và nhỏ lẻ, và cũng ‘kiến tạo’ tiền vào như nước cho con cá mập khổng lồ và mang tính đầu cơ chính trị cao nhất: ngân sách.

Từ năm 2017, thị trường bất động sản ở Việt Nam được giới đầu cơ cá mập lẫn đầu cơ nhỏ lẻ “đánh lên” ở nhiều tỉnh thành. Ở miền Nam như Sài Gòn, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Ở miền Trung như Đà Nẵng. Ở miền Bắc như Hà Nội, Phúc Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng. Đặc biệt là “đánh lên” dữ dội ở ba đặc khu kinh tế tương lai là Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)...

Từ đầu năm 2017 đến nay, mặt bằng giá đất ở một số nơi, đặc biệt là những ‘đặc khu tương lai’, được đẩy lên cao đến mức hoang tưởng – hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần.

Đó cũng là bối cảnh mà có đến 80-90% kẻ mua người bán đất là nhằm mục đích đầu cơ chứ không phải để ở. Hồ sơ mua bán đất chồng chất như núi ở các văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế, mà do đó đã giúp cho Tổng Cục Thuế hai năm bội thu.

Nhưng niềm vui thu thuế không phải cứ kéo dài mãi mãi. Cũng như những cơn sóng bất động sản vào những năm 2000 và giai đoạn 2007-2011 đều có điểm kết thúc bi kịch của nó, phong trào đầu cơ bất động sản từ năm 2017 kéo dài đến nay đã đẩy mặt bằng giá đất quá cao so với giá trị thực và tạo nên một quả bom khổng lồ chỉ chực chờ phát nổ vào năm 2019 và những năm sau đó.

Bây giờ thì dự báo ‘nếu thị trường bất động sản ảm đạm’ của giới nghiên cứu khoa học thậm chí còn thua xa hiện thực trần trụi: từ quý cuối cùng của năm 2018 đến nay, bất chấp một chiến dịch dùng báo chí nhà nước để PR cho đất nền và căn hộ cao cấp ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vân Đồn…, thị trường nhà đất những nơi này vẫn không thể ngóc đầu lên nổi. Nguồn cơn thực sự của tình trạng ủ ê này là trước đó giá đã đội lên quá cao và chỉ còn chờ những kẻ ‘trâu chậm uống nước đục’ biến thành tuẫn tiết lao vào ‘ôm bom’.

Giờ đây, một dấu hỏi quá khốn quẫn đối với nền ngân sách ăn bám của nhà nước Cộng Sản đang hiện hình như một bóng ma: Nếu quả bom bất động sản nổ, hoặc không nổ đột ngột thì sẽ phải xì hơi dần, chắc chắn mật độ thương vụ mua bán đất đai sẽ giảm dần hoặc giảm mạnh, kéo theo số thu thuế từ giao dịch đất đai sẽ giảm đáng kể trong những năm sau. Khi đó, ngân sách sẽ khó còn có nguồn thu tăng thêm từ tiền đất lên đến 60,000 – 70,000 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn thu từ 3 khối kinh tế đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vẫn ngày càng tệ trong thời buổi kinh tế ngập ngụa suy thoái.

‘Còn bò sữa’ Sài Gòn đang là một minh chứng rất cụ thể và mất ngủ cho chính thể độc đảng, khi nguồn thu nhà đất trong 3 tháng đầu năm 2019 lao dốc quá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Giá được tuyên giáo là ‘tăng từng ngày’, nhưng thanh khoản thì… mất hút.

VOA Express

XS
SM
MD
LG